Chính quyền tại các xã, các huyện nơi bị lấy đất làm dự án thì cả chục năm nay liên miên phải tiếp dân khiếu nại, lo trả đất dịch vụ, giải quyết nhiều hậu quả phức tạp của tình trạng dự án hoang.
Nhiều người dân do xót xa cảnh hoang hoá đã cố gắng trồng lấy những luống rau mầu lay lắt ngay sát những căn biệt thự bỏ hoang. Hàng vạn người mua nhà, nhà đầu tư đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mang hàng nghìn tỷ đồng chôn vùi trong vòng xoáy của dịch sốt đất lan từ nhà ra ngõ, từ công sở đến thôn quê. Sau những đợt “tháo khoán” dự án như vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi là chính quyền đang ở đâu mà không phanh lại những dự án trên giấy không có lấy vài phần khả thi này. Và ngay cả khi hàng nghìn ha đất bị treo theo dự án, hàng chục đô thị bỏ hoang, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội dường như vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Hà Nội là đô thị có hệ thống quy hoạch từ rất sớm và khá đầy đủ. Tuy nhiên, thành phố đang thực sự gặp nhiều thách thức trong tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo mục tiêu quy hoạch đặt ra. Hàng triệu dân đang trông cậy vào nhà quản lý. Do đó, cần phải điều hoà các nhu cầu khác của đô thị và người “cầm chịch” phải đứng trên góc độ lợi ích chung của đô thị chứ không phải đứng trên góc độ của ông này hay của ông kia.
“Không thể nhà đầu tư cứ xin đâu cũng đồng ý như hiện nay. Có những khu đất dùng ngay ngày mai nhưng cũng có những khu phải 30 năm sau, thậm chí 50 năm nữa mới cần sử dụng. Chính quyền phải cụ thể nhu cầu đầu tư cho từng khu vực, hình thành dự án để kêu gọi đầu tư”, ông Đỗ Viết Chiến nói.
Hàng loạt dự án đô thị bị bỏ hoang, chậm được khắc phục đang diễn ra tại nhiều nơi là một biểu hiện rõ nhất của tình trạng “hoang hoá” trong trách nhiệm công quyền của thành phố Hà Nội.