Bộ GTVT lên tiếng về sân bay Tân Sơn Nhất, BOT Cai Lậy

Tuần tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe tư vấn và Bộ GTVT báo cáo về sân bay Tân Sơn Nhất
Tuần tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe tư vấn và Bộ GTVT báo cáo về sân bay Tân Sơn Nhất
TPO - “Những ý kiến phản biện của TP HCM, chúng tôi hoan nghênh, tiếp thu và sẽ yêu cầu tư vấn làm rõ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Chiều 1/3, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, PV đặt câu hỏi: Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về phương án giải quyết đối với BOT Cai Lậy ra sao? Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều ý kiến khác nhau giữa TP HCM với phía tư vấn nước ngoài. Vậy quan điểm của Chính phủ ra sao?

Trả lời câu hỏi về BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng, bộ đã đưa ra 4 phương án khác nhau. Tuy nhiên theo ông Đông, mỗi phương án đều có mặt ưu điểm, hạn chế riêng, và đều liên quan đến thời gian thu phí khác nhau.

Ông Đông ví dụ, với phương án dừng thu phí thì sẽ phải có phương án dùng nguồn tiền nào để trả, như vậy cũng phải đàm phán với nhà đầu tư. Rồi cũng có cả phương án thu phí cả hai trạm tại QL1 cũng như tuyến tránh Cai Lậy. Hay phương án giảm thu phí 100% đối với các xã lân cận cũng được đưa ra. Ông Đông khẳng định, sẽ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ những ngày tới.

Liên quan đến vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đông cho biết, bộ đã thuê đơn vị tư vấn độc lập. Trên thực tế, sân bay này đã có quy hoạch, do tư vấn Việt Nam lập và Bộ GTVT trình Chính phủ. Tất cả quy hoạch cảng hàng không trên toàn quốc, trong đó có cả Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đều phải xem xét trên bình diện chung.

Sau khi Thủ tướng yêu cầu, bộ đã mời tư vấn của Pháp và họ đã nghiên cứu công phu, thảo luận nhiều lần. Trước ý kiến của TP HCM khác với nghiên cứu của đơn vị tư vấn, theo ông Đông, chúng ta phải đặt trong bối cảnh từ nay đến năm 2025. Theo lộ trình thời gian đó sẽ đưa Cảng hàng không Long Thành vào khai thác.

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, phải đáp ứng yêu cầu trước mắt từ giờ đến năm 2025 và phải duy trì trong tương lai. Mô hình này cũng giống một số sân bay ở Tokyo Nhật Bản, Bangkok Thái Lan.

“Những ý kiến phản biện của TP HCM, chúng tôi hoan nghênh, tiếp thu và sẽ yêu cầu tư vấn làm rõ, xem quy hoạch trước kia lập có phù hợp không? Làm sao để hiệu quả đầu tư cao nhất, phục vụ cho cả trước mắt và lâu dài”, ông Đông cho hay.

Về việc có nên mở đường băng không, theo Thứ trưởng Đông, phía tư vấn nói không làm thêm mà tận dụng hai đường băng cũ. Đồng thời phát triển sự kết nối giao thông cho thuận lợi. Nếu phát triển nhà ga về phía Nam thì việc đầu tư hiệu quả.

“Có ý kiến phải phản biện, có ý kiến phải tiếp thu, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ trình Thủ tướng trong tháng 3 này”, ông Đông nói.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói thêm, cả phía tư vấn nước ngoài và TP HCM đều rất chủ động đưa ra nhóm nghiên cứu riêng. Quan điểm khác nhau đó là bình thường. Tuần tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe tư vấn và Bộ GTVT báo cáo, trên cơ sở đó đưa ra quyết định. Khi có kết quả sẽ truyền tải kết luận, thông tin cho báo chí.

MỚI - NÓNG