Trong cuộc họp chiều 6/2, Bộ trưởng GTVT cho rằng, việc mở rộng sân bay TSN vướng nhiều vấn đề, trong đó có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Song song với việc thực hiện sân bay Long Thành, nâng công suất TSN là bàn tới giải pháp cấp bách.
“Trên cơ sở phân tích tất cả các yếu tố để chốt lại phương án là không thể mở rộng sân bay mà chỉ có thể hợp lý hóa và đầu tư một số hạng mục để nâng cao hiệu suất lên. Mục đích của chúng ta là làm sao để giảm thời gian máy bay chờ trên không và làm sao để thoát nhanh nhất khi xuống đường băng”, Bộ trưởng GTVT chỉ đạo.
Cụ thể, ông Nghĩa đề nghị sân đậu và đường lăn các cơ quan đơn vị liên quan phải đưa ra tiến độ để cố gắng trong năm 2017 phải xong đường cất hạ cánh (không thấy Bộ trưởng GTVT đề cấp đến phương án làm thêm đường cất hạ cánh mới - PV). Bộ GTVT cũng chốt phương án xây dựng nhà ga T3 và T4 ở phía Nam sân bay hiện nay.
Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu đơn vị tư vấn chốt lại nội dung, không nên nghĩ đến chuyện mở rộng nâng công suất sân bay TSN lên quá 40 triệu hành khách/năm. Bởi vì, từ năm 2023 - 2025 sân bay Long Thành đi vào khai thác với công suất 25 triệu hành khách/năm sẽ có thể san sẻ cho TSN.
Về sân bay Long Thành, ông Nghĩa cho hay, sớm nhất cũng phải cuối năm 2019 hoặc giữa năm 2020 mới khởi công được đúng theo quy trình đầu tư. Trên có sở đó, Bộ trưởng GTVT đề nghị Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) tuần thủ theo đúng quy định về Dự án này.
Trước đó, đơn vị tư vấn (Cty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không) báo cáo về điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT TSN giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phương án chính được đưa ra (đã báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng) bao gồm: Các công trình chủ yếu được xây dựng tập trung ở phía Nam với công suất dự kiến 43-45 triệu nhà khách/năm, thời gian xây dựng đối với phương án này là từ 2-3 năm.