Ngày 8/1, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS – THPT, trong đó quy định thống nhất toàn quốc tuyển sinh lớp 10 với ba phương thức gồm: Xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Đối với phương thức thi tuyển, ngoài môn Toán, Ngữ văn, địa phương lựa chọn một môn thi thứ ba, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư, Sở GD&ĐT TP HCM đã quyết định môn thi thứ ba kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026 là môn tiếng Anh. Tại Hà Nội, hàng chục nghìn phụ huynh cũng đang mong ngóng phương án thi để có sự chuẩn bị ôn luyện sớm, bởi năm nay là năm đầu tiên kỳ thi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cấu trúc, định dạng đề thi mới, khác so kỳ thi các năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có phương án chung của Bộ GD&ĐT, Sở xây dựng phương án, trình UBND thành phố phê duyệt. Dự kiến, Sở sẽ công bố môn thi thứ ba vào tháng 3 tới cho học sinh, các nhà trường biết và ôn tập, chuẩn bị tâm lý cho học sinh dự kỳ thi tuyển sinh năm học 2025-2026.
Bộ GD&ĐT không chốt cố định môn thi thứ ba kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là tiếng Anh |
Trên các diễn đàn, một số phụ huynh Hà Nội bày tỏ mong muốn môn thi thứ ba sẽ là môn ngoại ngữ. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, môn thi thứ ba là môn bất kỳ và quay vòng theo từng năm là cần thiết, nhằm đảm bảo kiến thức nền tảng cả tự nhiên và xã hội để học sinh lên THPT không bị lệch.
“Nếu quy định môn thứ ba cố định thì muốn hay không học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi. Điều này ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác, dẫn tới học sinh học không được toàn diện”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, qua các mùa tuyển sinh cho thấy, học sinh lên lớp 10 chọn tổ hợp Khoa học xã hội chiếm tỉ lệ vượt trội so với Khoa học tự nhiên. Nguyên nhân là do nhiều em thiếu tự tin chọn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong khi Lịch sử, Địa lý dễ học, dễ đạt điểm cao khi thi. Ngoại ngữ cũng là môn học sinh ở vùng nông thôn, ngoại thành yếu kém, trung bình điểm thi tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt mức 4,3-4,5 điểm. Do đó, ông Quyền ủng hộ phương án thi có lựa chọn quay vòng các môn bất kỳ để học sinh đầu tư, chăm chút tất cả các môn học ngay từ lớp 6 để khi lên THPT, các em có nền tảng kiến thức cơ bản lựa chọn môn thế mạnh.
Đảm bảo kiến thức toàn diện
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lý giải, nếu quy định môn thứ ba cố định thì muốn hay không học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi. Điều này ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác, dẫn tới học sinh học không được toàn diện.
Chẳng hạn nếu quy định ba môn thi là Toán, Văn và Tiếng Anh, các em học sinh sẽ chỉ tập trung vào ba môn thi này, không dành thời gian cho các môn học khác về Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên, từ đó không được trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng để học lên các cấp học trên, thiệt thòi cho học sinh.
Cũng theo ông Thành, Bộ GD&ĐT quy định môn thi thứ ba phải được các Sở GD&ĐT công bố sau khi kết thúc học kỳ I và trước 31/3 hằng năm cũng nhằm cho học sinh tập trung hoàn thành tất cả các môn học theo chương trình, nhưng vẫn có đủ thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cả về kiến thức, tâm lý dự thi, đảm bảo cân đối. Khi thực hiện đồng loạt theo quy định chung ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ đảm bảo công bằng giữa các học sinh trong học tập và ôn thi.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cũng khẳng định, liên quan đến tuyển sinh lớp 10, thông tư mới quy định chặt chẽ hơn so với trước ở một số khung chính sách quy định cho việc thành lập hội đồng ra đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi… Đồng thời, Bộ cũng giao cho các địa phương những quy định cụ thể để thực hiện phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo khung chính sách được quy định. “|THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản toàn diện. Và trách nhiệm của các nhà trường là làm sao dạy cho học sinh bậc học này được học một cách toàn diện, trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản làm nền tảng cho các em học tiếp các bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt nhất”, ông nói.