'Bố già' cháy vé vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Hóa trang đậm chât sân khấu của Trấn Thành cho vai "bố già"
Hóa trang đậm chât sân khấu của Trấn Thành cho vai "bố già"
TPO - Dù là phim tác giả của Trấn Thành (Vũ Ngọc Đãng thuộc dạng đạo diễn khách mời san bớt việc) nhưng giá kể anh lựa vai gì đúng tuổi tác và ngoại hình hơn. Hoặc hóa trang phải kỹ hơn rất nhiều nữa. Dù sao việc đóng nhân vật khác lứa tuổi cũng là dịp thể hiện khả năng diễn xuất. Và quan trọng là nhiều khán giả đến rạp là để xem anh. Một phần vì thế mà phim lập kỷ lục về lượng vé đặt trước.

Cái tên Bố già tuy là ăn theo nhưng cũng khá có lý. Bản thân “bố già” chẳng qua là dịch thoát chứ không đúng nghĩa Godfather. Phim của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng tận dụng trường nghĩa thuần Việt của từ này. “Già” ở đây không chỉ về mặt tuổi tác mà còn là sự cũ kỹ trong tư duy, quan điểm và tụt hậu so với nhịp sống xã hội.

“Bố già” Việt Nam tên Sang sống nghèo khổ trong con hẻm nhỏ Sài Gòn bao quanh toàn anh em ruột. Thoạt nghe đã hiểu ngay tình thế phức tạp rồi nhưng được cái ông này tốt tính, dĩ hòa vì quý nên từ lâu đã thích nghi với hoàn cảnh. Mặc cho anh chị em của ổng hầu hết là người không ra gì, người ra gì thì lại đụt.

Không biết nếu Trấn Thành có ngoại hình phù hợp tức là già hơn ít nhất tầm chục tuổi nữa thì xem vai của anh có bớt bị kịch không. Chứ diễn xuất của anh trong phim này vẫn đạt theo kiểu kịch. Được biết Trấn Thành bắt Tuấn Trần phải ép cân để vào vai con mình nhưng chính anh mới cần phải giảm cân đầu tiên (chưa kể nhân vật Quý cũng bị quá mỡ màng so với vai du thủ du thực). À cơ mà có khi béo cũng không sao, coi như ông Sang bị phù đi. Nhưng vẫn khá khó thuyết phục khi sức khỏe có vấn đề mà lại vẫn chọn cái nghề cực nhọc rồi dãi dầu sương gió mà vẫn khỏe re vậy. Ít ra như phim Hàn cũng phải cho nhân vật ho hắng chút xíu, đằng này không có một dấu hiệu gì. Phim hơi bị tham tình tiết nhưng lại thiếu những tiểu tiết kiểu như vậy.

'Bố già' cháy vé vì đâu? ảnh 1 Cảnh thân thiết giữa hai bố con trong Bố già
Nhưng phải nói tạo hình trẻ trung, khỏe khoắn rất đời của Tuấn Trần trong vai diễn còn ổn hơn hình ảnh bên ngoài hơi unisex cứ bị Hàn hóa của anh. Vai của anh là một đại diện tiêu biểu cho GenX (thế hệ phát triển nhanh trên nền tảng kỹ thuật số) đâm ra ông Sang cho dù rất yêu con cũng khó tiếp cận với đời sống của nó. Tuấn Trần tỏa sáng về diễn xuất trong phim này. Đoạn streaming độc thoại xin lỗi bố có thể nói là xuất sắc. Tuy biên kịch để cho anh nói bị nhiều từ đầu đến cuối, chưa cho thấy được sự chuyển biến về tâm lý. Nhưng cũng không phải không hợp lý bởi trong đời có khi ta đã thay đổi trong suy nghĩ nhưng khi chuyển sang nói hay làm vẫn lại “ngựa quen đường cũ”.

Và cái đường ray khó chuyển đổi nhất chính là giao tiếp trong gia đình. Khoản này phải ngậm ngùi công nhận là người Việt ta hơi kém. Do nhiều lý do về tính cách hay hoàn cảnh lịch sử… nào đó mà người Việt rất hiếm khi bày tỏ tình cảm trực tiếp với người nhà. Nếu có thường là những khi nước đã tràn ly, tức là toàn những tình cảm tiêu cực thì lại được bộc lộ. Còn yêu thương thì cứ phải giấu kỹ trong lòng. Thực trạng này hẳn làm nhiều người khá bức xúc mà không biết làm gì. Trấn Thành đi vào đề tài này có thể nói là điểm cộng lớn khiến phim dễ dàng thu hút khán giả.

Ông bố trong phim rất gần gũi với hai con, thậm chí còn hơi quá khi ông vẫn có thể hun hít thằng con trai U30. Vậy nhưng sau lưng nó ông vẫn âm thầm làm những việc thay đổi cả cuộc đời của nó mà nó không hay. Đó chính là “tài phép” của không ít ông bố bà mẹ Việt: sống hộ con cái. Có thể như thế sẽ tốt hơn cho đứa con nhưng chưa chắc nó đã thích… Càng nhiều người thích phim này càng chứng tỏ ứng xử bố mẹ con cái của người Việt vẫn bất hợp lý trầm trọng. Vì thế tôi đảm bảo đoạn khiến nhiều người bị hẫng 1-2 nhịp tim chính là lúc hai bố con bày tỏ tình cảm trong một khung cảnh hết sức là kịch tính. Cũng phải đến mức đó thì lời yêu mới bật ra được?!

'Bố già' cháy vé vì đâu? ảnh 2 Trấn Thành gần như bê nguyên diễn xuất sân khấu lên phim

Tuy nhiên về mặt y khoa tôi không đánh giá cao đoạn cuối của phim. Nhân vật Sang tỏ ra sáng suốt hơn cả nhưng cuối cùng cũng bị “đồng hóa” bởi đám đông họ hàng (và cả các bác sĩ?) không được thông minh (hoặc rộng rãi) cho lắm. Bởi rõ ràng họ có đủ điều kiện và tiền để có một giải pháp khác tươi sáng và khả thi hơn nhiều. Mà vết mổ hình như cũng sai vị trí, đáng ra phải ở lưng.

Kịch bản luôn đảm bảo tính hấp dẫn khi vừa dứt chuyện này lại tung ra chuyện khác (chuẩn sitcom) nhưng có vẻ biên kịch mải chạy theo kỹ thuật mà quên mất phim cũng phải có lý chút. Đoạn cuối của phim khó lấy được xúc động của khán giả hơn là vì thế. Không phải cứ đau thương mới có nước mắt, và không phải cứ có nước mắt mới lay động. Trên màn ảnh (nhất là phim Việt) chính sến lại gây ra nhiều vụ đổ… nước mắt hơn. Cái kết của phim hoàn toàn mang tính truyền thống và có tí dạy dỗ về “đạo làm con”, duy tình, phù hợp với nếp nghĩ nếp cảm của đa số người Việt chứ chưa thực sự bứt phá.

Dù sao Trấn Thành vẫn tỏ ra tinh tế trong đề tài mà anh theo đuổi. Nhân vật của anh rất sát sao khi bày cho con cháu cách thể hiện tình cảm với nhau. Đúng là tình yêu dù là giữa những người ruột thịt cũng cần phải gây dựng chứ đâu phải tự nhiên mà có. Người trong gia đình khó bày tỏ tình cảm cũng chính vì ít có nhiều dịp để gần gũi nhau. Nhưng dù sao chăng nữa con gái 9-10 tuổi vẫn ngủ chung giường với ba cũng hơi khiên cưỡng. Trừ phi diện tích nhà ở không cho phép.

Điểm cộng quan trọng tiếp theo của phim là đề tài gần gũi, trong tầm tay của đa số các nhà làm phim Việt nhưng ít ai chịu làm (tất nhiên gần gũi không có nghĩa là dễ xơi). Đó là cuộc sống thường nhật của dân nghèo thành thị. Rõ ràng anh sà xuống thực tế của giới bình dân sẵn bày khắp các ngõ phố thì dễ hơn nhiều “đoán mò” về xã hội đen (như Ròm) hay siêu giàu (như Gái già lắm chiêu). Nhiều nhân vật trong Bố già như từ đường phố bước vào màn ảnh. Được như vậy cũng nhờ vào diễn xuất của dàn diễn viên cứng đã quá quen mặt với khán giả truyền hình, gameshow hay webdrama.

Bố già của Mario Puzo lấy từ thực tế của các ông trùm mafia gốc Ý thì Bố già Việt cũng lấy ít nhiều từ đời thực của Trấn Thành (chính vì thế mà phần đầu thuyết phục hơn). Cứ cho là gia tộc của ông Sang rất nhiều kịch tính thì dù sao đây vẫn là phim tâm lý, gia đình. Biên kịch hơi tham khi liên tục đẩy ra những mảng miếng mang tính kích động gây cảm giác căng thẳng. Phim gần như không có điểm nghỉ nào cho cảm xúc khán giả được lắng xuống.
MỚI - NÓNG