Gái già hết chiêu?

0:00 / 0:00
0:00
Tạo hình của Lê Khanh và Kaity Nguyễn trong phim
Tạo hình của Lê Khanh và Kaity Nguyễn trong phim
TP - Gái già lắm chiêu V (GGLCV) - Những cuộc đời vương giả vượt qua nhiều thử thách từ bão lũ tới COVID-19 kịp ra rạp trước thềm 8/3. Nhưng không biết nên buồn hay vui với hình ảnh phụ nữ trong một phim đa số nhân vật là nữ. Toàn là những lừa lọc, cam chịu, lụy tình, phù phiếm…; thêm nữa, những tính cách đó cũng không được khắc họa tới nơi tới chốn. 

Tuy không nối tiếp cốt truyện hay nhân vật trong phần trước nhưng GGLCV vẫn tiếp tục khắc họa lối sống “vương giả”, vẫn bối cảnh Huế. Chữ vương giả mang nghĩa bóng chỉ sự giàu sang theo nếp cổ chứ không có sự xuất hiện của hoàng tộc. Nếu kịch bản phim trước còn có Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu Châu Á) để “lấy cảm hứng” thì lần này có vẻ hoàn toàn “cây nhà lá vườn”.

Không biết từ đâu đến có 3 chị em nhà họ Lý sống xa hoa trong một dinh thự bề thế tít lưng chừng đồi cao, giữa rừng cây rậm rạp, đủ hiểm trở để làm mất sóng điện thoại. Ấy vậy mà đêm đêm vẫn có người đàn ông qua thời trai trẻ từ lâu vẫn cần mẫn đạp xe lên tận đó chơi hàng chục năm trời. Chắc phải là hàng xóm cùng lưng đồi quá. Nhưng tất nhiên khán giả không được nhìn thấy nhà hay bãi gửi ô tô của vị đại gia (vai điện ảnh cuối cùng của NSND Hoàng Dũng) này. 

Các cảnh nội chủ yếu diễn ra trong tòa dinh thự nọ. Được biết kinh phí của phim lên tới 2 triệu đô để đáp ứng đầu bài “vương giả” nhưng hẳn vẫn chưa thể đủ tài lực để tân trang mặt sau cung An Định (thuộc hoàng thành Huế) cho ra dáng của một tòa nhà đang có người (rất giàu) ở. Cảnh vương giả còn lộ thêm nhiều điểm vô lý khác. Ví như toàn chứa đồ cổ triệu đô mà các phòng cứ thông thống chả có khóa. Sơn cửa thì long lở. Đồ vật bài trí rườm rà, lòe loẹt. Mô-ve gu nhất hẳn là mấy đầu tượng thạch cao được đặt lẫn lộn vào các “bảo vật” trang trí phòng khách.

Cốt truyện của Gái già lắm chiêu V có thể gọi là khá ly kỳ nhưng phim vẫn mắc phải nhược điểm kể bằng lời thoại chứ không phải bằng hành động. Các nhân vật luôn phát hiện ra những bí mật động trời nhờ nhân vật khác nói ra. Mà nhiều khi nói cũng vu vơ chứ không phải gặng hỏi căn vặn gì.

Cảnh uống trà của hai bà chị được cất công quay ở khuôn viên lăng Minh Mạng vẫn lộ hậu cảnh “đống gạch” rêu phong đổ nát. Rõ ràng không phải chốn ở của người(!) Vì không nói gì về xuất thân, gia thế của ba nữ nhân nên có cảm giác họ như tiên giáng phàm. Trong số đó, chỉ có một nàng, còn lại phải gọi là bà tiên. Vì sao tuổi tác chênh lệch làm vậy mà họ vẫn là chị em. Người nghi ngờ về điều này đầu tiên đáng ra phải chính là cô út nhưng không, cô vẫn ngây thơ vô tư lự sống hơn 20 năm trong sự bao bọc của chị cả.

 Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh) tự đề ra những “gia quy” rất cổ tích như bao giờ vườn bạch trà nở ra hoa đỏ thì gái họ Lý mới kết hôn, vậy mà mấy cô em tin sái cổ. Xã hội có vẻ cũng rất tin, nên chả thấy ai đến phá băng nhà họ Lý. Dù đống của trong nhà họ rất hấp dẫn. Cô em gái út Lý Linh (Kaity Nguyễn) vẫn còn quá trẻ để chịu tác động của “lời nguyền” nhưng thực ra cô cũng chẳng quan tâm gì đến nó lẫn vị thiếu gia chưa cưới. Điều cô quan tâm là cái ghế phó tổng giám đốc của một công ty địa ốc lớn. Nhưng cô sẵn sàng dành vị trí tót vời đó bằng chiêu trò chứ không phải thực lực. Ngay từ đầu nhân vật này đã tự bạch: “Tôi chỉ quan tâm tới quyền lực”.

Lý Linh thuộc loại phản diện không đến nơi đến chốn. Phim hầu như không có đất cho cô thể hiện cảm xúc yêu thương thật lòng, trừ những cảnh cuối. Nhắc đến phim này ngoài từ khóa “tiểu tam” còn có cả “bắt cá hai tay”. Lý Linh hoàn toàn ảo tưởng về bản thân khi chẳng có chiêu gì ngoài tấm thân lăn xả vào đòi lại phượng bào “gia bảo” một cách mù quáng. Điều này khá mâu thuẫn khi trước đó cô xuất hiện như một doanh nhân quyền lực chuyên giải quyết những phi vụ trăm chục triệu đô.

Lý Linh thoát ly ra ngoài làm ăn lớn, kệ hai bà chị chung thủy với sự nghiệp buôn bán đồ cổ hoàng gia. Tác giả phim tỏ ý muốn tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu do người Việt tạo nên, nhưng thật mâu thuẫn khi đồ cổ trong phim bị “tuyên cáo” chung chung là đồ giả cũng chả ai buồn phản bác hay vạch trần. Vậy giá trị thật mà phim muốn giới thiệu (nhất là với khán giả quốc tế) nằm ở chỗ nào? Có khi gây hiệu ứng ngược, người ta lại tưởng dân Việt Nam toàn làm đồ giả cổ để lừa thiên hạ?!

Lại nói đến tấm phượng bào là cổ vật có giá nhất tạo nên gia thế của nhà họ Lý (tức là gia thế này cũng chỉ mới có độ hai chục năm nay) cũng không hề có một xuất xứ thuyết minh gì để chứng tỏ sự quý báu tới tột bực khiến những ông lớn giàu sụ cũng phải thèm muốn. Nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng không thấy nó có gì đặc biệt, lại được giăng tênh hênh trong căn phòng mà bất cứ ai cũng có thể đột nhập và… mặc thử. Vô lý đến khó hiểu là phượng bào đã được bán công khai cho người khác, nhưng đến phiên sau, họ Lý vẫn tiếp tục mang nó ra để đấu giá tiếp mà chẳng ai thèm ngạc nhiên từ đâu họ có lại tấm áo đó.

>Một lỗi rắc-co mà phim phạm phải: không hề cho thấy cảm xúc trực diện của Lý Lệ Hà khi cô em Lệ Hồng (NSND Hồng Vân) lần đầu thú nhận: “Em hy sinh hạnh phúc riêng để lo lắng cho chị”. Nhưng chính diễn xuất của dàn diễn viên phần nào kéo lại chất lượng kịch bản. Dù nhiều khi cũng thấy thương Kaity Nguyễn khi phải tỏ ra ghê gớm hoặc khóc lóc quá nhiều để minh họa cho một nhân vật không rõ tính cách. Diễn xuất của Kaity Nguyễn được NSND Lê Khanh tán thưởng: “Tôi hãnh diện được đóng chung phim với Kaity. Cô bé này khiến cho các diễn viên tên tuổi cũng phải nhìn lại mình”. NSND Hồng Vân được giao trọng trách làm mềm bộ phim bằng những câu đùa vô thưởng vô phạt.

Phim đưa ra một loạt những hình ảnh phải nói là “thương tâm” về những phụ nữ mang tiếng “danh gia vọng tộc” nhưng cả đời không thoát khỏi cái bóng của đàn ông, hy sinh vì những ảo vọng xa vời như một tấm áo nào đó. Những thân phận đó hoàn toàn có thể có thật nhưng vấn đề là phim không đắp đủ da đủ thịt để khán giả tin và từ đó nảy sinh cảm xúc.

Không có một tình yêu lớn hoặc một động cơ đủ nặng để thuyết minh lựa chọn sống của Lý Lệ Hà. Và phút chót bà tiếp tục chọn một lối thoát tỏ rõ sự yếu đuối, cạn nghĩ (trong khi trừ việc bà không lấy được chồng thì mọi thứ còn lại đều đang xuôi chèo mát mái) không tương hợp với tính cách khuynh đảo, quyết đoán thể hiện xuyên suốt phim. Hoặc có thể lại một lần bà diễn kịch để lừa Lý Linh. Phim kết thúc một cách vội vã làm cho khán giả ra về lòng đầy nghi hoặc... Một chút cảm xúc có được từ GGLCV nhờ cái kết éo le mà các nhân vật bị đặt vào chứ hoàn toàn không được nuôi dưỡng từ cốt truyện hay nội tâm nhân vật.

Nếu ai tò mò về lối sống của người siêu giàu e sẽ thất vọng khi xem phim vì siêu giàu hầu như chỉ nằm ở bối cảnh. Họ làm thế nào để có tiền, giữ tiền và tiêu tiền… ra sao vẫn là những ẩn số. Nhưng có một hằng số là hình như phụ nữ đại phú thì đều phải dùng trang sức của cái hãng mà tên của nó ngự chình ình trên đầu nữ chính trong những phân cảnh quan trọng. Thế nhưng đỏ mắt tìm vẫn không thấy tên của hãng trong generic như nhà tài trợ. Hẳn stylist của phim là “tín đồ hạng nặng” của hãng này?!

MỚI - NÓNG