Cụ thể, theo đề xuất cơ cấu tổ chức mới, Bộ Công Thương sẽ giảm từ 35 cục, vụ, viện, xuống còn 28 đơn vị (giảm 7 đơn vị so với cơ cấu tổ chức cũ). Một số cục, vụ quan trọng của Bộ Công Thương cũng được tái cơ cấu nhiệm vụ.
Theo cơ cấu mới, Vụ Kế hoạch – Tài chính sẽ tiếp nhận nhiệm vụ về tài chính hành chính sự nghiệp của Vụ Tài chính; nhiệm vụ về tổng hợp nguồn vốn ODA của Vụ Hợp tác quốc tế; chuyển bộ phận Thống kê của Vụ Kế hoạch sang Vụ Dữ liệu và Thống kê. Vụ Phát triển nguồn nhân lực sẽ được hợp nhất vào Vụ Tổ chức cán bộ. Về thương mại, Vụ Thị trường trong nước tiếp nhận thêm nhiệm vụ về thương mại miền núi của Vụ Thương mại biên giới và miền núi. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á được hợp nhất thành Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng cục Năng lượng của Bộ Công Thương sẽ được tách làm 2 Vụ và một cục. Theo dự kiến, Vụ Dầu khí và than sẽ tiếp nhận các nhiệm vụ về dầu khí và than từ Tổng cục Năng lượng còn Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững tiếp nhận các nhiệm vụ về tiết kiệm năng lượng… Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cách đây ít ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc tinh giản bộ máy sẽ được làm nghiêm túc, quyết liệt. Những khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm trước đây là bài học sâu sắc, rất có ý nghĩa. Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, việc phân công công tác nhân sự ở Bộ Công Thương thời gian qua cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Ngay việc phân công công tác lại các thứ trưởng trong bộ cũng bị có ý kiến. Thậm chí có người có ý kiến lên cả Chính phủ về việc này. Nhưng với trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu, Bộ trưởng Công Thương sẽ chịu trách nhiệm về việc phân công, tổ chức lại cán bộ sao cho bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.