Bộ Công Thương ra tối hậu thư cắt giảm thủ tục hành chính

Bộ Công Thương ra tối hậu thư cắt giảm thủ tục hành chính
TPO - Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công Thương, trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc bộ này sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo rà soát các thủ tục điều kiện kinh doanh, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý.

Theo đó, các đơn vị thuộc ngành công thương phải gấp rút rà soát các thủ tục điều kiện kinh doanh, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực theo hướng chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ nặng về tiền kiểm để chuyển dần sang hậu kiểm. Các điều kiện kinh doanh phải phù hợp với điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế dành cho doanh nghiệp FDI và đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Cùng đó, công tác quản lý nhà nước khi chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tính khả thi, điều kiện nguồn lực, khả năng phân cấp...).

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là một bộ đa ngành, Bộ Công Thương có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều. Hiện, toàn ngành công thương vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh và như vậy sẽ là cản trở trong việc huy động phát triển nguồn lực, sản xuất. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.

Theo báo cáo, trong năm 2017, Bộ Công Thương rà soát trình Chính phủ 8 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các điều kiện thuộc nhóm điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường (điều kiện đầu tư kinh doanh) thuộc quản lý của công thương như Nghị định thay thế Nghị định số 19 về kinh doanh khí, Nghị định thay thế Nghị định số 109 về xuất khẩu gạo, Nghị định thay thế Nghị định số 140 về kinh doanh dịch vụ logistics...

Theo đó, theo dự thảo các Nghị định dự kiến sẽ bãi bỏ 75 điều kiện đầu tư kinh doanh theo cách tiếp cận của Luật Đầu tư – điều kiện tiếp cận thị trường. Cụ thể Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hóa chất dự kiến bãi bỏ và đơn giản hóa 23 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định đã được trình Chính phủ xem xét.

Nghị định sửa đổi Nghị định số 67 về kinh doanh thuốc lá đã bãi bỏ 4 điều kiện đầu tư kinh doanh và Nghị định này đã được trình Chính phủ để ký ban hành.  Nghị định thay thế Nghị định số 19 về kinh doanh khí đã bãi bỏ 19 điều kiện đầu tư kinh doanh và Nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Nghị định thay thế Nghị định số 140 về kinh doanh dịch vụ logistics đã bãi bỏ 1 và sửa đổi 1 điều kiện đầu tư kinh doanh và Nghị định đã được trình Chính phủ để ký ban hành. Nghị định thay thế Nghị định số 94 về kinh doanh rượu cũng đã bãi bỏ 27 điều kiện đầu tư kinh doanh và đã được trình Chính phủ để ký ban hành.

MỚI - NÓNG