Bộ Công Thương đưa thép Cà Ná của Hoa Sen vào quy hoạch

Dự án thép 10 tỷ USD Cà Ná
Dự án thép 10 tỷ USD Cà Ná
Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Theo đó, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Đáng chú ý, trong danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, tiếp tục có tên dự án dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen ở Ninh Thuận.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.

Thực tế, Theo quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Điều này này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận dù chưa chính thức được cấp phép đầu tư.

Nay Bộ Công Thương tiến hành xây dựng một dự thảo quy hoạch thép hoàn toàn mới, thay thế cho quy hoạch thép tại Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, vẫn có tên của dự án thép Cà Ná của Hoa Sen là điểm đáng chú ý cho “số phận” của dự án gây nhiều tranh cãi này.

Trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội mới đây liên quan thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường. Và tôi khẳng định ở đây không phải lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây khi chúng ta đang hướng tới một cách hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng của chúng ta, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia?”.

Theo Bộ Công Thương, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG