ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công thương:

Có hay không lợi ích nhóm khi quy hoạch dự án thép Cà Ná?

ĐBQH đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng, trả lời thật về dự án thép Cà Ná (ảnh Tư liệu)
ĐBQH đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng, trả lời thật về dự án thép Cà Ná (ảnh Tư liệu)
TPO - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận), Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị trả lời thẳng, trả lời thật có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná?  

Đề cập đến việc bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, theo các chuyên gia, nếu triển khai dự án thì không chỉ ảnh hưởng đến vùng biển Ninh Thuận mà còn có thể ảnh hưởng đến Khánh Hòa, Phú Yên và nhiều tỉnh thành khác.

Bà Hiền đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời thẳng, trả lời thật cho đại biểu và cử tri cả nước biết các vấn đề sau về dự án thép Cà Ná. Thứ nhất việc bổ sung quy hoạch đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Vậy có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná?

Thứ hai, có hay không việc bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? “Đánh đổi môi trường là tội ác. Vậy bất chấp các phản biện, các cảnh báo của các nhà khoa học để bổ sung dự án có phải là hành vi dẫn đến tội ác”?, bà Hiền đặt vấn đề.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay Việt Nam có trữ lưỡng quặng sắt rất lớn, lên đến 1,5 tỷ tấn. Tuy nhiên, hằng năm chúng ta đang nhập khẩu sắt đến 3 tỷ USD để phục vụ nền kinh tế. Dự báo trong thời gian tới nhập khẩu sắt có thể lên đến 15 tỷ USD.

Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê nếu được đưa vào sử dụng có thể đóng góp 0,3- 04, GDP/ năm.Vì vậy, chủ trương quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững, các dự án được triển khai đều phải đảm bảo môi trường.    

“Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy dự án thép bằng mọi giá. Tôi cũng khẳng định không có lợi ích nhóm. Tại sao lại có lợi ích nhóm khi chúng ta phát triển kinh tế cho đất nước, khi hướng đến việc phát triển các tập đoàn, nếu chúng ta bảo đảm được môi trường?” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, quy hoạch thép Cà Ná đã được phê duyệt từ trước đây rất nhiều năm. Sau đó vì những khó khăn nên nhà đầu tư không thực hiện nữa. Đến năm 2015, dự án được nghiên cứu trở lại và Tập đoàn Hoa Sen đã làm việc với Ninh Thuận để được đầu tư theo hướng bảo đảm môi trường. Bộ Công thương, đã làm việc với Ninh Thuận về dự án trên.

“Chúng ta nói về môi trường, chúng ta có đánh đổi muối Ninh Thuận lấy dự án thép Cà Ná không? Tôi xin khẳng định là không”, Bộ trưởng nói và cho biết, để bảo đảm hiệu quả, bảo đảm môi trường, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành làm việc với chủ đầu tư, làm rõ công nghệ, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

“Tất cả những vấn đề đó sẽ được xem xét đầy đủ. Và, chỉ khi nào dự án được phê duyệt thì dự án mới có pháp lý”,  Bộ trưởng nói và cho biết thêm, tới đây không chỉ có dự án thép Cà Ná mà còn có cả dự án thép Dung Quất… “Tất cả các dự án đó đều phải đảm bảo môi trường”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

MỚI - NÓNG