Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN). |
Sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trình bày Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Báo cáo nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, đồng bộ, thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng; trong đó, nhóm giải pháp tự phê bình, phê bình có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, bằng kinh nghiệm thực tiễn dày dạn, phong phú, các vị nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư trân trọng, nghiêm túc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu những ý kiến góp ý của các vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để phân tích làm rõ trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy ưu điểm, nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt sinh hoạt kiểm điểm lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai công tác chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc, chặt chẽ. Từ các ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lọc ra 30 vấn đề để tiếp thu, giải trình.
Sau hơn hai tháng chuẩn bị, từ ngày 12/7 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với nhận thức và tâm thế bước vào đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, rất hệ trọng, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm cá nhân, Tổng Bí thư kiểm điểm trước, tiếp đến các Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác.
Việc kiểm điểm được tách thành nhiều đợt để có thời gian cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết các công việc thường xuyên, đột xuất của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư điều hành thảo luận dân chủ, đúng nguyên tắc, có gợi mở, nêu vấn đề, hướng vào những nội dung trọng tâm cần thảo luận và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Một số vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ khá sâu sắc. Những vấn đề có thể kết luận được thì Bộ Chính trị kết luận ngay (như vấn đề tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế trung ương; đổi mới công tác giao ban báo chí; yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tình hình tái cơ cấu tập đoàn Vinashin, Vinalines). Những vấn đề cần phải xác minh, làm rõ, giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với một số cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ. Không khí thảo luận, góp ý tự phê bình và phê bình đoàn kết, xây dựng, thẳng thắn và chân thành. Tất cả các vị Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho tập thể và cá nhân.
Những kết quả chủ yếu: Về nhận thức, càng đi sâu vào quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như từng cá nhân, càng nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết, tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết Trung ương 4; ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình lần này.
Qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình và lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng cá nhân và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn ưu, khuyết điểm của mình; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ yếu của các khuyết điểm, hạn chế, nhất là những khuyết điểm, hạn chế kéo dài qua một số nhiệm kỳ, từ đó tìm biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Đó là, chỉ đạo xây dựng quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước (trình Hội nghị Trung ương 6); ban hành một số văn bản: Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; quyết định điều chuyển, phân công công tác đối với một số Ủy viên Trung ương Đảng. Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính.
Quá trình kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có tác dụng nêu bài học, cách làm cho cấp dưới, có tác động lan tỏa, định hướng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm ở cấp tỉnh và tương đương nói riêng, trong toàn Đảng nói chung.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, trong đó nhấn mạnh: từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết là các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cam kết với Ban Chấp hành Trung ương luôn thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết thống nhất, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân; giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Từng người thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm.
Kết quả kiểm điểm phê bình và tự phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI). Sau khi thảo luận, phân tích kỹ, Ban chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 cơ bản đạt yêu cầu.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình bày báo cáo giải trình các ý kiến của tập thể và cá nhân góp ý cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm. Nhiều vị nguyên cán bộ cao cấp dự Hội nghị đã phát biểu ý kiến về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
Kết thúc Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị trân trọng cảm ơn các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và các chức vụ tương đương, trong thời gian qua cũng như tại Hội nghị này, đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, chân thành với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đạt kết quả thiết thực.
Theo Hương Thủy
Vietnam+