ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:

'Bố bổ nhiệm con dù khách quan cũng nên tránh'

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
TPO - “Để một cơ chế mà bố có thể bổ nhiệm con, cho dù là khách quan, hợp lý, thì cũng nên tránh”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp ngày 28/10.

+ Nhiều người cho rằng, việc lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cũng là một biến tướng của tham nhũng, ông thấy sao?

-Thực chất những việc như lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo, tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào mối quan hệ công việc, là biến tướng của tham nhũng, thể hiện các vị trí cán bộ công chức và công việc của công chức trong bộ máy công quyền hiện nay đẻ ra nguồn lợi, quyền lợi.

Làm công chức với đồng lương như hiện nay, nếu làm đúng rất vất vả. Làm công chức mà ngay ngắn, đúng chính sách chế độ hiện nay không thể giàu được. Vậy tại sao người ta vẫn cứ đua nhau vào công chức, bố trí cho người thân vào công chức? Phải chăng vào đấy để cùng nhau tham nhũng và che chắn cho nhau. Đấy chính là điều đáng báo độngcủa tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay.

+ Trong báo cáo thẩm tra về phòng chống tham nhũng có ý kiến đặt vấn đề cấm bổ nhiệm những người trong một gia đình cùng làm quan chức trong một địa phương. Ý kiến của ông về giải pháp này như thế nào?

- Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải có nghiên cứu một cách hợp lý, cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước như thế nào để nghiên cứu áp dụng. Ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫn nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên và bình thường. Điều đó cũng không có tác hại gì. 

Muốn đề phòng thì chúng ta phải xử lý quan hệ. Có một số nơi đã xử lý bằng cách điều vợ hoặc chồng, anh hoặc em đi làm nơi khác nếu họ làm cùng một cơ quan.

+ Vậy còn việc người trong dòng họ bổ nhiệm lẫn nhau?

- Theo tôi, những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau phải có quy định để xử lý. Nhưng chúng ta cũng phải xử lý cả những trường hợp khách quan. Chẳng hạn một ông bộ trưởng có con thích ngành nghề của bố, có năng lực, làm việc 5, 7 năm lên vụ phó và đến lúc nào đó xứng đáng cương vị thứ trưởng. 

Diễn tiến như vậy đầu tiên là bình thường nhưng dẫn đến chuyện đã đến lúc bố bổ nhiệm con. Lúc đó cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước để không cực đoan.

Để một cơ chế bố ký giấy bổ nhiệm con, cho dù là khách quan, hợp lý đi nữa thì cũng là điều nên tránh.

+ Ông đánh giá gì về vai trò trách nhiệm và việc xử lý người đứng đầu khi xảy ra tiêu cực trong đơn vị mình quản lý?

- Có một chân lý hàng nghìn năm nay, cả đông sang tây, từ cổ lẫn kim là "thượng bất chính thì hạ tất loạn". Cho nên, cứ ở trên ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc 100% thì ở dưới sẽ giảm rất nhiều sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật. Còn ở trên không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc dù chỉ một ly thì ở dưới sẽ đi một dặm. Chúng ta xử lý người đứng đầu chính là áp dụng nguyên tắc này. Nhưng vừa rồi việc xử lý người đứng đầu chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG