BlackBerry Priv, canh bạc cuối cùng của John Chen

BlackBerry Priv mang thiết kế bàn phím QWERTY.
BlackBerry Priv mang thiết kế bàn phím QWERTY.
BlackBerry tiếp tục đánh cược tương lai vào thiết bị có bàn phím QWERTY quen thuộc, hãng đang bấu víu vào thứ gọi là cảm giác hoài cổ từ người dùng.

Hãng công nghệ Canada cuối cùng cũng ra mắt sản phẩm Android đầu tiên của mình. Nhưng BlackBerry Priv không nhạt nhòa trước vô số những chiếc điện thoại cùng nền tảng khác. Thiết bị sở hữu bộ bàn phím trượt ấn tượng.

Tín đồ Dâu đen chắc chắn sẽ rất thích thú khi lướt trên từng phím bấm của Priv. Đó là trải nghiệm tuyệt vời, khơi gợi trong họ cảm xúc của một thời đam mê với BlackBerry.

Nỗi nhớ không bờ bến

Cảm giác hoài cổ là có thật, ngay cả trong lĩnh vực công nghệ. Tiến sĩ David Linden, giáo sư thuộc khoa thần kinh học, đại học Johns Hopkins khẳng định, bất kỳ thiết bị nào nếu gắn bó lâu ngày với người dùng cũng tạo nên thói quen, từ đó hình thành nên cái gọi là “nỗi nhớ” nếu một ngày không còn dùng nữa.

Ông cho biết thêm, một vài kỷ niệm in đậm trong trí não hơn so với các loại khác. Đó thường là những thứ gắn liền với chúng ta hằng ngày. “Nếu trò chuyện với nhạc sĩ sáng tác nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, họ sẽ miêu tả rõ cho bạn cảm giác thân thuộc của việc ôm chiếc đàn violon hay đặt sáo lên môi sẽ như thế nào?".

BlackBerry Priv, canh bạc cuối cùng của John Chen ảnh 1

Microsoft từng bị chỉ trích vì bỏ nút Start trên Windows.

Chắc chắn một điều, bạn không thể đưa iPhone lên miệng và thổi. Nhưng điều Linden mô tả lại nằm ở khía cạnh khác. Chúng ta cầm điện thoại, ngắm nhìn nó mỗi ngày và làm được biết bao nhiêu vi cuộc sống xung quanh.

Trong thế giới công nghệ, chỉ có số ít công ty đủ tầm ảnh hưởng để “gây nghiện” cho người dùng. Nhưng khi đã đạt tới tầm mức ấy, mọi nỗ lực thay đổi luôn vấp phải những phản ứng gay gắt từ khách hàng.

Steven Sinofsky, người từng đứng đầu dự án Microsoft Office, Windows và Surface bộc bạch: “Chúng tôi từng nỗ lực mang tới phong cách trình bày mới cho tính năng Clip Art (trên Office), nhưng nhận lại bằng cái nhìn giận dữ từ người dùng lâu năm”.

Nhóm làm việc của Sinofsky  cũng gặp tình trạng tương tự với Clippy, biểu tượng hình kẹp giấy đóng vai trò hỗ trợ người dùng Office. Tính năng này đã tồn tại suốt 10 năm trước khi bị khai tử trên phiên bản Office 2007. Không ít người dùng ca thán vì quyết định hủy bỏ Clippy.

Quá mạo hiểm để tước bỏ thói quen của người dùng

Thay đổi một thứ gì đó vốn dĩ quen thuộc với người dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù trải nghiệm mới có mang lại tính tiện lợi thì điều nhà sản xuất nhận lại trước hết vẫn là những lời phàn nàn.

Greg Joswiak, phó chủ tịch tiếp thị sản phẩm của Apple là người vốn dĩ rất quen với việc phải tiếp nhận phản hồi tiêu cực từ khách hàng. Diễn tả lại phản ứng về quyết định loại bỏ đĩa mềm trên iMac năm 1998, Joswiak nói: “Người dùng coi đó là hành động dị thường. Họ không thể tin chúng tôi lại có thể loại bỏ nó".

BlackBerry Priv, canh bạc cuối cùng của John Chen ảnh 2

Apple bị coi là “dị thường” khi khai tử đĩa mềm trên Mac.

“Chúng tôi làm việc chăm chỉ để tránh nhìn về quá khứ. Đó là thái độ tích cực Steve mang tới cho chúng tôi khi ông trở lại đây: Chúng ta sẽ không nhìn lại mà luôn hướng về phía trước”, Greg tâm sự.

Nhưng không đúng hoàn toàn khi nói rằng Apple luôn ưu tiên những cái mới và rũ bỏ mọi thứ đã cũ kỹ. Nhiều tính năng vẫn tồn tại dù đã trải qua nhiều lần nâng cấp, Finder là một ví dụ. Biểu tượng này trên Mac OS đã có từ năm 1984 và tiếp tục được duy trì trên OS X El Capitan, phiên bản hệ điều hành mới nhất.

Nhưng Finder chỉ là chi tiết nhỏ trong toàn bộ cấu trúc đồ sộ của Mac OS X. Riêng BlackBerry Priv, bàn phím vật lý mang tính quyết định tới thành bại của sản phẩm. Người hâm mộ Dâu đen cũng có nhiều sản phẩm Android để lựa chọn, nhưng một thiết kế với bàn phím cứng QWERTY sẽ làm họ suy nghĩ lại.

BlackBerry Priv, canh bạc cuối cùng của John Chen ảnh 3

Bàn phím QWERTY là một đảm bảo cho Priv.

Không chỉ mang tới cảm giác bấm truyền thống, bàn phím trên Priv còn hỗ trợ tính năng lướt ngón tay như một trackpad để điều khiển con trỏ. “Chúng tôi nhìn vào quá khứ để hiện đại hóa các yếu tố đó nhằm tạo ra cảm xúc ấn tượng hơn”, Scott Wenger, người đứng đầu bộ phận thiết kế của BlackBerry phát biểu.

Ông khẳng định, không phải bất kỳ tính năng nào trên Priv cũng được lấy ý tưởng từ những thiết bị BlackBerry cũ. Nhưng hãng giữ lại thứ được cho là đặc sản riêng của mình.

Priv khó trở thành smartphone Android phổ biến nhất. Nhưng chắc chắn một điều, BlackBerry đã có lựa chọn đúng khi đặt cược sự thành bại của sản phẩm vào bàn phím truyền thống. Đó là thứ tốt nhất hãng có ở thời điểm hiện tại, để làm mình nổi bật giữa một rừng nhà sản xuất Android khác.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG