Bịt lỗ hổng tham nhũng và khiếu kiện

Bịt lỗ hổng tham nhũng và khiếu kiện
TP - Thảo luận tại tổ chiều 6- 11 về Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, đang có 9 cái nhất trong đất đai: Nhiều văn bản nhất, đơn thư, khiếu nại tố cáo nhiều nhất, tham nhũng lớn nhất, làm giàu nhanh nhất…Do vậy, sửa luật phải “trám” được hai “lỗ hổng” lớn nhất là tham nhũng và khiếu kiện đông người.

> Khuyến nghị sửa Luật Đất đai để kiểm soát tham nhũng

Luật chưa tạo được đột phá

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, bức xúc lớn nhất thời gian qua là cơ chế nhà nước thu hồi đất và giá đất. Ngoài ra, còn có tình trạng tham nhũng đất đai, khiếu kiện, thực thi pháp luật kém của chính quyền địa phương. Nhiều cán bộ địa chính không có trình độ, có nơi cán bộ văn hóa làm địa chính.

Trong luật sửa đổi chưa tạo được đột phá giải quyết những bức xúc hiện tại. Nhiều nội dung chỉ sửa đổi, bổ sung chứ chưa phải sửa toàn diện. Luật trao quyền cho nhà nước, nhưng quyền của người sử dụng đất chưa tương xứng”- Ông Vinh nhận xét tổng thể.

ĐB Vinh cho rằng, luật sửa đổi phải giải quyết và bịt được hai “lỗ hổng” lớn hiện nay là tham nhũng và khiếu kiện đông người.

Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), vấn đề đất đai không chỉ nóng mà đang “sôi lên sùng sục”. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ chưa thể hiện rõ điều này. Bất cập lớn nhất hiện nay là “chưa công khai, minh bạch”.

Trong thảo luận, một số ĐBQH cũng đề xuất nghiên cứu đa sở hữu đối với đất đai. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) dẫn tờ trình của Chính phủ nêu, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Tuy nhiên, đây là vấn đề còn có những ý kiến khác nhau. “Tôi cho rằng nếu không thể và chưa đủ điều kiện cần thiết để công nhận sở hữu tư nhân về đất đai - điều mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng - cũng nên chấp thuận sở hữu tư nhân đối với một số loại đất. Với chế độ sở hữu đất đai như hiện nay, người sử dụng trong thực tế cũng gần như là chủ sở hữu gồm đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Tuy nhiên, cơ quan, đơn vị được giao quản lý đã gần như định đoạt tạo ra bức xúc của người sử dụng, đặc biệt là quá trình thu hồi đất từ người sử dụng này sang người sử dụng khác mà chưa giải quyết hết các vấn đề về giá trị gia tăng. Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc vấn đề lớn này”- Ông Hùng đề nghị.

ĐB Bùi Thị An đồng tình đề xuất nghiên cứu xem có các hình thức sở hữu khác không. Nếu vẫn quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì cần làm rõ, nhà nước là QH, Chính phủ và chính quyền các cấp.

“Nếu quy định nhà nước chung chung thì khó khăn cho người bị thu hồi đất”- Bà An nói. Theo ĐB này, những vụ việc như ở Văn Giang, Tiên Lãng vừa qua có phần nguyên nhân từ chính sách đất đai. “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhưng thực chất có đến mấy trăm đại diện chủ sở hữu từ tỉnh đến huyện. Ông chủ - nhân dân - là sở hữu toàn dân bị biến thành người chỉ có quyền sử dụng mà thôi”- ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận xét.

Tuy nhiên, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) lại nhìn nhận, Trung ương đã quyết đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do vậy, vấn đề đa sở hữu đất đai sẽ được nghiên cứu tiếp chứ chưa thể quy định trong luật.

ĐB Đinh Xuân Thảo
ĐB Đinh Xuân Thảo.

“Dân không khiếu kiện mới là lạ” 

Trước thực trạng giá đất đền bù chênh lệch lớn giữa các khu vực giáp ranh, nhiều nơi chỉ cách nhau một bờ ruộng, một số ĐBQH nhận định: “Dân không khiếu kiện mới là lạ”.

ĐB Trần Ngọc Vinh cho biết, đối với đất giáp ranh thì thu hồi, đền bù đúng luật nhưng vẫn xảy ra khiếu kiện. Chính phủ quy định khung giá từ 1 đến 3 triệu đồng/m2.

Hải Phòng áp giá khung cao nhất là 3 triệu đồng/m2, Hải Dương áp khung thấp nhất 1 triệu/m2. “Như vậy vẫn đúng luật nhưng người dân Hải Dương không đồng tình bởi chỉ cách nhau bờ ruộng mà chênh lệch giá quá lớn”- Ông Vinh nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, thu hồi đất theo quy hoạch nhưng khi bồi thường cần tránh tình trạng cùng một đường phố, nhưng đất thu hồi để xây dựng trường học thì Nhà nước áp giá, còn thu hồi để xây dựng thương mại thì giá khác, có mức chênh lệch lớn.

Dẫn đến, người dân thắc mắc, khiếu nại. ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cùng quan điểm không thể để hai gia đình, thu hồi đất xây trường học áp giá 20 triệu đồng/m2, đất thương mại bồi thường 100 triệu đồng/m2.

Ông Trường lưu ý, không chỉ đất giáp ranh giữa các tỉnh mà ngay trong một tỉnh, giáp ranh giữa thị xã và huyện cũng rất phức tạp.

“Giá đất thu hồi làm thương mại có chuyện thỏa thuận. DN có cơ chế mềm hỗ trợ cho nhân dân, thế nhưng có trường hợp người tử tế, nghiêm túc đi trước thì thiệt, anh chây ì lại được hỗ trợ thêm gây khiếu kiện”- Ông Trường nói.

ĐB Phạm Huy Hùng Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Huy Hùng.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nên thay cơ chế “thu hồi” bằng “trưng mua” 

Theo ĐB Phạm Huy Hùng, luật hiện hành và dự thảo sửa đổi đều quy định, quyền thu hồi đất thông qua các quyết định của cơ quan nhà nước. Quyền sử dụng đất về bản chất cũng là một loại tài sản.

“Hiện quy định thu hồi đất mang tính chất của hoạt động quốc hữu hóa tài sản hơn là công tác quản lý nhà nước. Nội dung này chưa đồng bộ với các quyền cơ bản khác của quyền tài sản. Khi được nhà nước công nhận quyền sở hữu thì cần thực hiện theo Luật Dân sự và Hiến pháp. Trong đó, quy định tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa.

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì nhà nước trưng thu hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản theo thời giá thị trường. Hiện nay, thu hồi đất bằng quyết định hành chính thực chất là biện pháp cưỡng chế trong khi người sử dụng đất không hề vi phạm pháp luật”- Ông Hùng nói.

ĐB Phạm Huy Hùng đề nghị Ban soạn thảo thay thế cơ chế thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất. Cơ sở của việc trưng mua đã có trong Hiến pháp 1992 và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Việc thu hồi là biện pháp hành chính có giá trị bắt buộc thi hành với người sử dụng đất.

ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) đồng tình, đất đai là tài sản của dân không thể bị thu hồi.

“Luật Đất đai nên thay cụm từ “thu hồi” đất bằng “trưng mua” quyền sử dụng đất trong những trường hợp luật định. Hiện nay, giá đất bồi thường thường rất thấp. Tại TPHCM và Hà Nội mức giá nhà nước cao nhất chỉ 81 triệu đồng/m2 nhưng thực tế ở Hà Nội có nơi bán vài trăm triệu đồng/m2 tạo ra địa tô chênh lệch lớn”- Ông Sang nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) dẫn Hiến pháp và cho rằng, Nhà nươc thu hồi đất bằng cách trưng mua, trưng thu, phải bảo đảm đền bù thỏa đáng. Nhưng Luật Đất đai lại mở rộng quyền thu hồi đất dẫn đến một số địa phương làm sai, lạm quyền, hàng triệu ha đất bị thu hồi rồi bỏ hoang.

“Người dân mất đất làm gì, sống ra sao? Cấp cho họ chung cư mà không có nghề nghiệp. Những người dân ở nơi bị thu hồi đất như ở Phú Mỹ Hưng bây giờ họ đi đâu, làm gì? Chúng ta có biết không? Vấn đề là giải quyết bài toán đó chứ không phải chỉ là giá đền bù”- ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)

“Nhà nước phải dành kinh phí để lo quỹ đất sạch. Vừa qua rất là mệt, khi tôi làm chủ tịch tỉnh tuần nào cũng phải đi năn nỉ từng hộ dân di dời để làm đường vào sân bay Trà Nóc. Người dân chưa di dời do chưa có chỗ tái định cư. Vướng như vậy thì “Tề thiên đại thánh” không làm nổi”- ĐB Trần Minh Mẫn (Cần Thơ)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.