Bình Thuận ‘sáng cửa’ GRDP bình quân/người từ 7.800 - 8.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5 - 8%. GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ kinh tế truyền thống, kinh tế tuyến tính, kinh tế 'nâu' sang phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Ngày 8/7, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - đã ký nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khoá XIV về lãnh đạo thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, việc triển khai thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu tất yếu và rất cấp thiết để khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy tối đa những lợi thế, thu hút các nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng Bình Thuận phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội.

Bình Thuận ‘sáng cửa’ GRDP bình quân/người từ 7.800 - 8.000 USD ảnh 1

Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh.

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng 8% mỗi năm

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.

Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại.

Về kinh tế, Bình Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế, gồm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 44-48%; ngành dịch vụ chiếm 31-34%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15-16% và thuế sản phẩm 5-6% trong GRDP của tỉnh Bình Thuận. GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD.

Về xã hội, Bình Thuận sẽ duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Nâng chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở đến năm 2030 là 30 m2/người. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 95%.

Ba trụ cột kinh tế

Bình Thuận sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế đến năm 2030. Trụ cột thứ nhất là công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành. Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia. Phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Bình Thuận ‘sáng cửa’ GRDP bình quân/người từ 7.800 - 8.000 USD ảnh 2

Bình Thuận sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế đến năm 2030.

Trụ cột thứ hai là dịch vụ với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ logistics. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận. Phát triển dịch vụ vận tải và logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Cuối cùng là trụ cột nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bình Thuận cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ kinh tế truyền thống, kinh tế tuyến tính, kinh tế “nâu” sang phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ theo hướng tạo bước đột phá về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng với các biến đổi.

Về phát triển mạnh hệ thống đô thị, Bình Thuận sẽ bố trí không gian phát triển mới, phù hợp với các định hướng, mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội theo nguyên tắc “Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển”. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực để đầu tư phát triển 4 khu vực có vai trò động lực của Bình Thuận, gồm TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong và các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp.

MỚI - NÓNG