Tạo nguồn cán bộ bổ sung
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ký đề án quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận đến năm 2027.
Việc triển khai đề án sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cấp bộ đoàn về công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ đoàn, đội. |
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, việc xây dựng đề án là rất cần thiết nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ phụ trách đội đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình mới. Đồng thời tạo nguồn cán bộ bổ sung cho đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.
Tính đến tháng 6/2024, cán bộ chuyên trách công tác đoàn tỉnh Bình Thuận có 307 người, thiếu 29 người so với quy định. Trong đó, cơ quan chuyên trách Tỉnh Đoàn Bình Thuận có 20 cán bộ đoàn chuyên trách, khuyết 4 người. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn có 9/13 người. Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn có 37/39 người.
Ở cấp huyện có 55/64 cán bộ đoàn chuyên trách. Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện có 83/89 người. Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện có 256/276 người.
Cấp cơ sở có 117/124 Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách cấp xã, 115/124 Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn là cán bộ không chuyên trách cấp xã. Cán bộ phụ trách Đội có 332 người là giáo viên tổng phụ trách Đội.
Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ đoàn ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. |
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ đoàn ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân sự đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn được quan tâm triển khai thực hiện, tuy nhiên việc cử cán bộ Đoàn các cấp tham gia đào tạo các lớp về lý luận chính trị chưa nhiều… Do đó, việc triển khai đề án sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cấp bộ đoàn về công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ đoàn, đội, góp phần thực hiện hiệu quả quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn, đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn, đội đảm bảo quy định của Trung ương và của tỉnh.
Đề án đặt mục tiêu 100% đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở xây dựng quy hoạch cán bộ đoàn chủ chốt theo nhiệm kỳ kế tiếp của đại hội đoàn cùng cấp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hàng năm. 100% trường tiểu học và trung học cơ sở lựa chọn, quy hoạch giáo viên tổng phụ trách đội và rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hàng năm. Đến năm 2027, 100% giáo viên tổng phụ trách đội có từ 10 năm làm công tác đội trở lên được bố trí sang giảng dạy chuyên môn hoặc công tác khác phù hợp với nguyện vọng và điều kiện thực tế của đơn vị.
Phấn đấu 100% cán bộ đoàn chuyên trách là Bí thư, Phó Bí thư đoàn cấp tỉnh, cấp huyện được quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cùng cấp.
Cho đăng ký nguyện vọng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận giao Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn chủ động rà soát, phát hiện những nhân tố tích cực, xuất sắc, triển vọng phát triển để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển về công tác tại cơ quan chuyên trách đoàn cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Bình Thuận phấn đấu 100% cán bộ đoàn chuyên trách là Bí thư, Phó Bí thư đoàn cấp tỉnh, cấp huyện được quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo cơ quan. |
Khi tuyển dụng cán bộ vào công tác tại cơ quan chuyên trách của đoàn phải đảm bảo có trình độ chuyên môn theo quy định của quy chế cán bộ đoàn. Cụ thể, cán bộ Đoàn cấp tỉnh và cấp huyện, Bí thư Đoàn cấp xã phải có trình độ từ đại học trở lên. Cán bộ được tuyển dụng phải có năng khiếu công tác thanh thiếu nhi, ưu tiên cán bộ có thực tiễn làm công tác đoàn từ cơ sở.
Các trường tiểu học và trung học cơ sở xây dựng quy hoạch giáo viên tổng phụ trách đội và rà soát bổ sung theo năm học.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chuyên môn của đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp xem xét, đưa cán bộ đoàn chuẩn bị đến tuổi chuyển công tác vào quy hoạch của cơ quan, đơn vị mình theo giới thiệu của cấp ủy hoặc Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp.
Định kỳ hàng năm, Ban Thường vụ Đoàn các cấp triển khai phiếu đăng ký nguyện vọng chuyển công tác cho cán bộ đoàn chuyên trách và Phó Bí thư xã đoàn khi còn từ 1-3 năm đến tuổi thôi công đoàn theo quy định.
Trên cơ sở tổng hợp phiếu đăng ký, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu tiếp nhận cán bộ, công chức báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ đoàn chuyên trách khi hết tuổi đoàn phù hợp với trình độ, năng lực và tình hình thực tế.
Tỉnh Đoàn Bình Thuận phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng được xác định trong đề án này. |
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Thuận được giao xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện theo Kế hoạch đề ra. Đăng ký kế hoạch, kinh phí mở các lớp trước 30/9 hàng năm; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng được xác định trong đề án này. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền về nhu cầu bố trí, tiếp nhận công tác đối với cán bộ đoàn chuyên trách khi hết tuổi giữ chức vụ trong đoàn trước ít nhất 12 tháng, để kịp thời sắp xếp cán bộ.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận được giao thẩm định, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt quy hoạch các chức danh chủ chốt của Tỉnh Đoàn. Hướng dẫn các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc thực hiện việc phê duyệt các chức danh chủ chốt của đoàn cấp huyện. Phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tham mưu sơ kết kết quả thực hiện đề án vào cuối năm 2025 và tổng kết vào năm 2027.