Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, tới đây địa phương sẽ xây mới, thay đổi KCN truyền thống hiện hữu bằng mô hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Trước mắt, tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bình Dương nghiên cứu, lựa chọn một số KCN hiện hữu được quy hoạch, đáp ứng các điều kiện về quy mô diện tích, hạ tầng, ngành nghề thu hút đầu tư để phát triển mô hình “nhà xưởng cao tầng trong KCN”. Cụ thể, thu hút và sắp xếp các dự án đầu tư cùng lĩnh vực ngành sản xuất đồ gỗ nội thất, bố trí trong cùng tòa nhà xưởng trong một KCN. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi quy hoạch tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương sẽ tổ chức triển khai, dự kiến sau năm 2025.
Bình Dương sẽ xây dựng KCN thông minh, hiện đại |
Ngoài ra, Bình Dương dự kiến bố trí hàng trăm héc ta đất để xây dựng một KCN cơ khí hỗ trợ. Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã giới thiệu và nhà đầu tư đã khảo sát một số địa điểm tiềm năng để xây dựng KCN này, đang chờ quyết định chính thức. Tập đoàn Trường Hải (THACO) sẽ là chủ đầu tư xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ quy mô khoảng 26.000 tỷ đồng.
KCN cơ khí hỗ trợ khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, lĩnh vực chính của THACO, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác. KCN cơ khí còn là cánh cửa mở rộng cho các nhà đầu tư, đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự lan tỏa, cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ THACO Industries cho biết, KCN cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, tới đây địa phương triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng. Bình Dương bố trí quỹ đất hơn 2.000 ha để xây mới các KCN Rạch Bắp, Cây Trường; đồng thời nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương.
Hiện nay tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 33 với tổng diện tích 14.790 ha. Trong đó, đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.662 ha, 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 10.962 ha.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, quỹ đất hiện tại của các KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy rất cao (hơn 90%). Do đó, việc thu hút đầu tư vào những KCN của Bình Dương phải chuyển biến chọn lọc theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh.
Ông Nguyễn Trung Tín - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, trong tương lai gần, địa phương có các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Do đó ngay từ bây giờ, Bình Dương đã xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN, đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong những KCN.
Vẫn theo ông Tín, Bình Dương đang lập kế hoạch để có lộ trình di dời cho doanh nghiệp ở ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc. “Trước khi triển khai di dời nhà máy, ngành chức năng mở cuộc đối thoại với chủ doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Hầu hết doanh nghiệp đều tán thành việc di dời nhà máy và đồng ý với mức hỗ trợ dự kiến”, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết.