Ngày 23/6, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí (ca mắc, nhập viện, tử vong). Bình Dương hiện không còn bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại bệnh viện.
Theo ngành y tế Bình Dương, để có được kết quả trên, vắc xin phòng COVID-19 đã chứng minh hiệu quả. Dù vậy, COVID-19 đang xuất hiện biến chủng mới, trong khi vắc xin phòng ngừa chỉ có tác dụng tốt nhất trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nên nguy cơ mắc bệnh đối với các trường hợp tiêm chưa đủ liều rất cao.
Trong khi đó, người dân ở Bình Dương không còn mặn mà đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, Bình Dương còn tồn 214.400 liều vắc xin các loại.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương chia sẻ về công tác tiêm phòng COVID-19 gặp khó khăn |
“Dịch bệnh còn phức tạp. Sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ còn đe dọa tính mạng con người. Người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm nếu dịch bệnh bùng phát, trong khi người dân không chịu đi tiêm nhưng không có chế tài nào. Do đó, những người thực hiện công tác phòng, chống dịch đang chịu nhiều áp lực”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương chia sẻ.
Cũng theo ông Chương, ngành y tế tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến tiêm vắc xin như: chỉ cần cầm giấy đã tiêm mũi trước hoặc thông tin trên phần mềm; đến bất kỳ thời điểm nào tại các trạm y tế trước 22h đêm. “Vắc xin có hạn sử dụng rất lâu, chỉ khi rã đông phải tiêm trong vòng 1 tháng là hết hạn. Hiện nay, số lượng vắc xin còn ở Bình Dương có hạn sử dụng còn rất lâu”, ông Chương khẳng định.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 chậm. Hiện nay người dân chủ quan vì nghĩ rằng đã hết dịch bệnh, bởi có ít trường hợp phải nhập viện. Mặt khác, người dân mơ hồ trước thông tin lan truyền không chính thống, cho rằng tiêm vắc xin giảm ham muốn chuyện “chăn gối”, vô sinh… trong khi không có nghiên cứu nào chứng minh.
Đối với số vắc xin còn tồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các đơn vị, địa phương trong 3 ngày tới phải tập trung tiêm dứt điểm. Ông đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp hỗ trợ ngành chức năng vào trong doanh nghiệp để tiêm cho công nhân, đồng thời khuyến khích tinh thần tiên phong của cán bộ, viên chức trong tiêm phòng COVID-19.
“Ngành y tế phối hợp với các địa phương thành lập các điểm tiêm cố định và lưu động tại trường học, công sở phục vụ tiêm xuyên suốt cho các đối tượng”, ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh.