'Binh đoàn tình nguyện quốc tế' ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm thứ Sáu (18/3) xác nhận 9 công dân Hàn Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 27/2, nhập cảnh vào Ukraine mà không có sự chấp thuận của chính quyền hiện vẫn chưa về nước, có lẽ để gia nhập “Binh đoàn Tình nguyện Quốc tế Ukraine”.

Các công dân Hàn Quốc bị cáo buộc đến Ukraine để chiến đấu mà không được phép trong đó có “Đại úy Ken Rhee” cựu thành viên lực lượng đặc biệt, một người nổi tiếng trên mạng. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, hai người bạn đi cùng Ken Rhee đã quay trở về Hàn Quốc, họ sẽ bị chính quyền truy tố vì vi phạm Luật Hộ chiếu và đối mặt với một năm tù giam cùng khoản tiền phạt 10 triệu won.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nhóm công dân này đã đến Ukraine thông qua một nước thứ ba vào ngày 2/3, các nhà chức trách đang nỗ lực tìm kiếm tung tích của họ, đồng thời kêu gọi công chúng cần nhận rõ thực tế Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh và không tự đến Ukraine, nơi chính quyền đã cấm đi lại.

Khi tin tức về cái chết của Ken Rhee được lan truyền, anh ta hôm 15/3 đã cập nhật mạng xã hội, nhấn mạnh mình vẫn ổn, nói rằng các bạn đồng hành của anh ta đã rời Ukraine an toàn, hiện Ken Rhee là người duy nhất còn lại tham gia chiến đấu. Anh ta viết: “Đừng tung tin giả nữa, những kẻ rác rưởi. Sẽ không có thêm tin tức gì cho đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đừng liên lạc với tôi nữa. Tôi đang bận chiến đấu”. Tuy nhiên, một tờ báo Hàn Quốc đưa tin Ken Rhee bị bắt gặp ở biên giới sau vụ oanh kích của Nga vào trại huấn luyện Yavoriv hôm 13/3. Anh ta tìm cách nhập cảnh Ba Lan nhưng bị từ chối.

Giống như 9 công dân Hàn Quốc, nhiều tình nguyện viên nước ngoài đã đến Ukraine tham gia Binh đoàn Quốc tế để chống lại “cuộc xâm lược” của Nga, theo báo cáo của hãng tin AP tại Lviv, Ukraine ngày 15/3. Những người được tuyển dụng cho biết họ thường xuyên chờ đợi vũ khí và huấn luyện, điều này khiến họ cảm thấy như những mục tiêu bị bộc lộ. Những tình nguyện viên này giờ đây chỉ là một đám người ô hợp.

“Đó hoàn toàn là địa ngục: lửa cháy, tiếng la hét, đau đớn. Rất nhiều bom và tên lửa”, tình nguyện viên người Thụy Điển Jesper Seidl, mô tả cảnh sau cuộc oanh kích của Nga vào Yavoriv vào ngày 13/3. Trung tâm huấn luyện quân sự ở miền tây Ukraine này đã bị trúng tên lửa của Nga, khiến 35 người thiệt mạng, theo các nhà chức trách Ukraine. Phía Nga cho biết số người chết thực tế cao hơn nhiều.

Seidl cho biết anh ta đã dẫn một nhóm tình nguyện viên nước ngoài, bao gồm người Scandinavi, người Anh và người Mỹ, rời căn cứ qua biên giới gần đó để quay lại Ba Lan. Seidl nói với phóng viên AP qua điện thoại từ Krakow, Ba Lan rằng anh không biết có bao nhiêu tình nguyện viên nước ngoài đang huấn luyện tại căn cứ vào thời điểm đó, nhưng ước tính có mấy trăm người. Seidl đã chiến đấu cùng với các chiến binh người Kurd ở Syria chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo IS. Không giống như Seidl, nhiều tình nguyện viên tại Yavoriv trước đó chưa hề được huấn luyện quân sự.

'Binh đoàn tình nguyện quốc tế' ở Ukraine ảnh 1

Lính tình nguyện quốc tế đến Ukraine

Họ đến Ukraine từ các quốc gia châu Âu, Mỹ và những nơi khác, muốn được trang bị, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; nhưng một số người khi đến mới phát hiện ra nơi này không có vũ khí, không có đồ phòng hộ và không được huấn luyện thích hợp, thiếu tổ chức và ngôn ngữ bất đồng, sinh ra hoang mang. Người Nga đã đe dọa nhắm mục tiêu vào đám người mà họ gọi là “lính đánh thuê nước ngoài” và cho biết đã thực hiện một cuộc tấn công như vậy vào căn cứ huấn luyện quân sự Yavoriv. Điều này càng làm gia tăng thêm rủi ro.

Matthew Robinson đến từ Yorkshire, miền bắc nước Anh, trước đây sống ở miền nam Tây Ban Nha nói: “Hiện tại thật hỗn loạn. Không hề có trật tự và nếu bạn không ở cùng một nhóm những người có đầy đủ thông tin, bạn có thể nhanh chóng gặp rắc rối”.

Nga đã đe dọa sẽ tấn công vào đám người họ gọi là “lính đánh thuê”, khiến các chiến binh nước ngoài gặp nhiều rủi ro hơn. Nga tuyên bố họ đã giết 180 “lính đánh thuê” trong cuộc tấn công vào một căn cứ huấn luyện vào ngày 13/3. Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 14/3 cho biết quân đội Nga sẽ “đối xử thẳng tay với những kẻ đánh thuê trên lãnh thổ Ukraine”. Ông nói rằng quân đội Nga đang theo dõi chuyển động của các chiến binh nước ngoài và sẽ tiến hành một cuộc tấn công khác.

Mô tả của Seidl về cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Yavoriv cho thấy đó không phải là một cuộc tấn công bừa bãi. Ông nói rằng vụ oanh kích của Nga vào căn cứ này khác với bất kỳ vụ oanh kích nào mà ông đã trải qua. “Họ biết chính xác phải đánh cái gì, biết rõ nơi cất giữ vũ khí, tòa nhà hành chính ở đâu và tất cả tên lửa đều đánh trúng điểm đau nhất của chúng tôi”.

Jericho Skye, 26 tuổi, đến từ Montana, từng phục vụ trong Lực lượng hiến binh Mỹ. Ông cho biết, rất may mắn đã thoát khỏi vụ tấn công do có mặt tại một căn cứ tạm thời ở Kiev để chờ nhận vũ khí. Ông vẫn hy vọng sẽ sớm được cấp vũ khí và cho rằng người Ukraine đã cố gắng hết sức trong tình hình gay go. Ông nói: “Chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự, có các cuộc đọ súng nhỏ trên đường, gần như mỗi ngày có bom rơi, do tình trạng quan liêu giấy tờ, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được vũ khí, điều này khiến chúng tôi rất bực bội và chán nản”.

Theo AP, hiện không rõ có bao nhiêu người trên thế giới đã gia nhập “Binh đoàn quốc tế” của Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky nói có 16.000 người thuộc 52 nước. Con số này không thể được xác nhận, nhưng theo các cuộc phỏng vấn ở Ukraine và một số thủ đô châu Âu, một đội quân tình nguyện hỗn tạp đang thành hình.

MỚI - NÓNG