Binh đao Trần Đình Bá

Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả
Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả
TP - Chất giọng Nghệ nặng chịch khi vang khi rè. Con người lão dường như phảng phất vẻ bất an nào đó? Tập hợp những bài báo đã viết, lão có mấy cuốn sách bán khá chạy nhưng nổi có Hành trình đến chân lý và cuốn mới nhất Vui với cuộc đời.
Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả
Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả.
 

Đứng không yên ổn...

Chất giọng Nghệ nặng chịch khi vang khi rè. Con người lão dường như phảng phất vẻ bất an nào đó? Tập hợp những bài báo đã viết, lão có mấy cuốn sách bán khá chạy nhưng nổi có Hành trình đến chân lý và cuốn mới nhất Vui với cuộc đời.

Trong giới làm báo từng có giai thoại, người ta cầm hai cuốn ấy lên không coi sách mà ngửi rồi phán, Trần Đình Bá đây mà? Sao biết? Là có mùi binh đao!

Viên tâm là chữ người xưa để nói tâm trạng của con vượn luôn động. Động nên cứ phải là cựa quậy nhẩy nhót. Nguyễn Du có câu đứng không yên ổn ngồi không vững vàng để chỉ sự bất định luôn phải lăn tăn phân vân của một giống người.

Trần Đình Bá chẳng phải vượn mà là nhà báo. Có cảm giác đóng khung định hình không riêng chi tôi mà với nhiều đồng nghiệp là lão này lúc nào cũng thủ sẵn trong đầu và trong túi (tài liệu) về những vụ tham nhũng tiêu cực này khác? Những đường đi nước bước ấy lão chỉ hé ra một cách mơ hồ cho vài người được gọi là thân tín. Gọi là mơ hồ bởi lão không toạc ra những thứ cụ thể nhưng phàm người làm nghề chỉ mới nghe qua phải giật thột. Giật thột bởi sự khoa học và hiệu quả của những thứ bài binh bố trận cùng đường đi nước bước ấy!

Binh đao Trần Đình Bá ảnh 2
 

Từng được nhận giải A (cùng đợt với lão năm 1987 của Hội Nhà báo Việt Nam) nhưng ngón nghề so với lão, cánh chúng tôi chỉ là muỗi! Mãi tận bây giờ ngồi nghe lại cái băng thâu buổi ấy hẵng còn rờn rợn với rân rân cảm xúc!

Phục nể bởi, thời điểm ấy, những công khai thẳng thắn đang còn phải co ro mà lão dám đứng mấy tiếng đồng hồ liền đôi co đối chất lẫn đối chứng với một cán bộ cao cấp như ông Tô Duy (Chủ tịch Trọng tài kinh tế T.Ư) dưới sự trực tiếp điều hành chủ trì của ông Đỗ Mười khi đó là Thường trực Ban Bí thư (Viết đến đây có lẽ phải biết ơn không khí cởi mở thông thoáng đến bất ngờ ấy do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tạo dựng).

Vậy nên, có thể nói loạt bài Sự thật về nhà ở của ông Tô Duy của Trần Đình Bá không phải Giải A báo chí nữa mà phải đặc biệt hoặc A1 bởi là tiếng trống là hiệu lệnh khai cuộc cho cánh ký giả nước mình tuyên chiến với nạn đặc quyền đặc lợi.

Tôi từng được (hay phải đây?) can dự cùng lão hai việc. Một bệnh viện đầu ngành tuyến trên, người ta có sáng kiến biến một cô gái xinh xắn thừa khả năng sinh nở thành một... gã đàn ông! Người nhà cô ấy đâm đơn đến nhiều tòa báo.

Bây giờ, với sự tiến bộ kỹ thuật của ngành Y có lẽ cũng chả phải là nan giải nhưng những năm 1980 thiếu thốn, tránh sao khỏi việc chẩn đoán chữa trị nhầm lẫn! Nan giải, phức tạp thêm lại có sự bao che từ một cấp cao cho việc nhầm lẫn ấy... Người ta có thể sai lầm nhưng không được phép dối trá.

Trần Đình Bá chắc nịch như vậy tuyên chiến luôn và hăng hái kéo tôi vào cuộc... Suốt mấy tháng trời đôn đáo, hai chúng tôi chỉ viết được ba bài báo về vụ ấy nhưng lão lấy làm mãn ý! Tuy không có công văn tiếp thu phê bình nhưng sự im thít của ban lãnh đạo bệnh viện nọ có lẽ đã thay cho sự trả lời?

Việc thứ hai có lẽ là cái tình đồng nghiệp. Đận ấy báo tôi bị khởi tố vì một bài báo mà tôi là tác giả. Tìm đến lão như một sự tự nhiên trong lúc hoạn nạn. Lão thẳng tưng, chỉ cộng tác với tôi với ba điều kiện và cũng là nguyên nhân để cứu được nhau.

Có ăn tiền không? Ban biên tập có ủng hộ có dũng cảm để bảo vệ cái đúng của phóng viên không? Cấp chủ quản có bảo vệ không? Hội đủ được ba cái có có không không ấy chả phải dễ. Nhưng trong những duyên do của lần thoát nạn đó, toa thuốc của Trần Đình Bá quả là có tác dụng công phạt. Mà hình như vẫn hữu hiệu vẫn là thời sự với nghề báo, vốn là cái nghề mong manh?

Lần ấy, một ông cán bộ hàm bộ trưởng (vốn chỗ quen biết và giao thiệp rộng với nhiều ký giả) trong cuộc họp đã kéo mấy anh em chúng tôi ra... Chuyện gần chuyện xa, hóa ra ông ngỏ ra dự định là làm sao bảo cái tay Trần Đình Bá nên dừng vụ đất đai ở Thủ Đức (đang là vấn đề thời sự cuối những năm 1990) bởi phức tạp và nhạy cảm lắm, khéo mà rước họa!?

Thấy lũ chúng tôi nhe răng ra mà cười rằng không muốn bị lão cho ăn chửi thì ông nọ lại ngỏ ra ý làm sao tạo điều kiện để ông gặp lão một tý! Tất nhiên đám chúng tôi làm sao mà tạo điều kiện được. Vì khi đó cánh ký giả trong làng đều hay lão ấy là thứ dữ. Xin lẩy ra đây một chi tiết: có một thời gian dài, có mấy lá đơn tố cáo những cán bộ quyền cao chức trọng. Những lá đơn đã nhiều lần gửi đến các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm và hầu như trong làng báo ai cũng biết bởi tác giả của những lá đơn đó là Trần Đình Bá! Phen này lão chỉ có đi đứt! Nhiều người nghĩ vậy.

Mặc dầu không ai nghi ngờ những chi tiết vụ việc mà Trần Đình Bá tố trong đơn nhưng cung cách trứng chọi đá khó hiệu quả mà còn rước bao thứ họa vào thân! Thế mà gần 3 năm tố như thế, lão vẫn an lành mới là sự lạ? Hình như vị lãnh đạo cao cấp nào đó đã đúng? Đúng khi có người hỏi, có phải ông đứng sau Trần Đình Bá? Vị ấy trả lời, có lẽ sau Trần Đình Bá là nhân dân!

Tôi chả mấy tin vào những lào phào của ai đó rằng vị thượng tá nguyên PV Báo Quân đội nhân dân này là người... Cục 2. Lại cũng chả chắc chắn những hậu thuẫn hậu phương để bảo vệ lão những là có nhiều thân nhân người có công với cách mạng trong đó có bà cụ thân sinh vv...

Nhưng dứt khoát trong cuộc chiến với tiêu cực của giới báo chí nói chung và Trần Đình Bá nói riêng, ngoài nhân dân với vô vàn tai mắt, ngoài cơ chế và luật pháp hiện hành, tôi cứ mang máng, phải có ảnh hưởng, phải có đột biến của những yếu nhân với sức mạnh hữu hiệu nhưng kín đáo? Nếu không vậy thì cuộc đời chắc phải thê thảm lẫn buồn tẻ lắm?

Trần Đình Bá dâng lễ vật cúng vong hồn anh ruột Trần Đình Mai tại nơi anh hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình)
Trần Đình Bá dâng lễ vật cúng vong hồn anh ruột Trần Đình Mai tại nơi anh hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
 

Tiền đâu ra?

Lần ấy khi cả bọn đã bung biêng mấy chén rượu mật gấu, lão rè rè chất giọng Nghệ nặng trịch cố hữu anh nói các chú nghe, anh bây giờ không giầu nhưng đủ sống. Khá nữa. Không sống khá, chỉ “thèm tiền” thì không làm báo được đâu, nhất là viết báo chống tiêu cực”.

Khá nữa... Thì đã rõ. Từ khi lão về hưu kiêm nghề tạm gọi là nhà báo tự do, có lúc nhà lão nuôi mấy chục con gấu (rượu mật gấu là từ đó. Bây giờ cấm, lão bỏ nuôi gấu lâu rồi). Lại có trang trại ở Lương Sơn. Lại ôm hàng tấn nấm linh chi về để liên danh chế tác rượu Hương rừng...

Lắm buổi thoát khỏi cái vầng ám Trần Đình Bá, tôi đôi hồi và giật thột với ý nghĩ, tiền lão đâu ra? Nó cũng nhiêu khê và gian nan như việc kê khai tài sản của một số quan chức nhà ta vậy?

Đủ độ thân mật nên có bận tôi hỏi thẳng. Lão toang toác không phải với riêng tôi mà nhiều người, nhiều lần. Bác nói ngay với các chú, trước khi viết cuốn sách Đi tìm Chân lý đầu tay, nhà bác trần xì hai cái xe đạp, ti vi còn chưa có mà xem. Năm 1989, bác in 8 vạn bản cuốn Chân lý, bán 2000 đồng/cuốn mà vàng bấy giờ 35.000 đ/chỉ. Chú hãy tính là tôi có bao nhiêu vàng?

Cùng nhẩm tính. Sau khi trừ chi phí, Trần Đình Bá đã có khoảng gần 300 cây vàng. Mà đất mặt tiền bấy giờ giá chỉ một vài chỉ vàng một mét vuông!

Có tiền, tôi mua đất và nuôi gấu. Từ khi 1 cc mật gấu có giá 250.000 đồng, tôi đã nuôi 60 con gấu. Khi mật gấu xuống 100.000 đồng/cc, tôi bắt đầu bán. Tôi gọi khách đến, bán gấu với công thức như sau: Con gấu cho 1 cc mật giá 1.000.000 đ, mật gấu người mua hưởng; trong đàn gấu của tôi phần lớn đều cho 60 cc mỗi con, vậy là thành một món tiền lớn.

Thú thực tôi nghe vậy chỉ biết vậy! Chợt nghĩ đến một ông bạn được một người bạn là doanh nhân quý lắm, biếu gần 800 triệu đồng. Tiền ấy được giao giá là thay vì mua xe ô tô thì dùng vào việc đi taxi đến lúc chết! Lại nghĩ đến một vị doanh nhân khác làm xây dựng nhưng lại có duyên làm chùa.

Mà chùa vị ấy xây khá hoành tráng kiểu liên hoàn tổng thể chi phí nhiều tỷ bạc. Nghe phong thanh là một số người đã lặng lẽ giấu tên cung tiến tiền để xây chùa làm phúc cho người đời lẫn con cháu!

Chợt nghĩ, chợt thấy để vận vào trường hợp của lão có mà trật khấc! Bởi chắc chả có vị nào hảo tâm cúng tiền cho Trần Đình Bá để làm cái việc đấu tranh chống tiêu cực cả. Nhưng hình như việc phanh phui cái xấu cái ác cũng là một dạng làm phúc? Cá nhân ai đó bớt oan khuất, xã hội đỡ nặng nề u ám và việc làm ăn của lão cũng có chút hanh thông?

Binh đao. Dẫu là trong báo trong sách người ta cũng chả mấy chuộng? Nhưng cuộc sống bây giờ cần lắm những cuộc ra quân, những cú khai đao? Sao cứ dần hiếm đi những Trần Đình Bá?

Nhà báo Trần Đình Bá sinh năm 1947 tại Nghệ An. Năm 1972-1975 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Phóng viên Báo QĐND từ năm 1976 đến năm 2002. Năm 2002 về hưu với cấp hàm thượng tá.

Năm 1930, gia đình Trần Đình Bá đủ một chi bộ Đảng, nơi tổ chức in truyền đơn cho phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Ông cụ thân sinh là Nông hội trưởng Nông hội đỏ. Khi phong trào bị đàn áp, nhà cửa, ruộng vườn bị đốt sạch. Ông nội và chú ruột bị bắn chết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG