'Bình cũ rượu mới' vẫn nóng

TP - Làm mới những ca khúc đã có chỗ đứng trong lòng khán giả nhiều thế hệ vẫn là một xu hướng chưa hề nguội trong nhiều năm. Mới đây, khi Thanh Lam hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Thơ: Trần Đình Chính, nhạc: Phan Huỳnh Điểu) không ít “thượng đế” lắc đầu, không chấp nhận sự làm mới của chị. Song áp lực từ dư luận hình như chưa bao giờ là rào cản với nghệ sỹ…

“Đu” giữa luồng khen/chê

Thành công đã đến với một số nghệ sỹ dám đi ngược chiều. Tiêu biểu như Lệ Quyên. Khi nữ ca sỹ đã ghi dấu ấn nhất định với một số ca khúc trữ tình như “Giấc mơ có thật”, “Thôi đừng chiêm bao”… Một ngày gió đổi chiều, chị xoay sang hát bolero, người khen, kẻ chê rần rần… Nhưng dần dần Lệ Quyên đã chứng tỏ là một trong những gương mặt đình đám nhất của dòng bolero ở trong nước. Thậm chí, sức hút của chị không thua kém, có khi vượt mặt những ngôi sao bolero hải ngoại. Chính Lệ Quyên có công rất lớn giúp bolero sống lại mạnh mẽ, lôi kéo rất nhiều ca sỹ trẻ hay ca sỹ của dòng nhạc khác chạy sang thử nghiệm và gắn bó với bolero.

'Bình cũ rượu mới' vẫn nóng ảnh 1 Đức Tuấn làm mới nhạc Lam Phương

Một trong những tên tuổi nhạc sỹ ở hải ngoại được các ca sỹ trong nước đua nhau làm mới các tác phẩm của ông là Lam Phương. Cuối năm 2016, Lệ Quyên đã thực hiện dự án âm nhạc Lam Phương gồm 12 tình khúc, cô chọn hướng đi khác các nghệ sỹ gạo cội và tự tin ở chính mình: “Nhạc Lam Phương buồn nhưng quan trọng là mình nghe với tâm thế như thế nào. Tôi chọn cách thấu hiểu nỗi buồn để rồi mạnh mẽ, lạc quan hơn”. Vì thế, ca khúc Lam Phương cũng như nhiều bản bolero do Lệ Quyên thể hiện dễ được lòng khán giả trẻ bởi vẫn là ca khúc buồn nhưng phần ủ ê, sầu não đã tiêu hao khá nhiều.

Tuy nhiên, thành công như Lệ Quyên khi chinh phục ca khúc xưa, là trường hợp khá đặc biệt. Đụng đến những ca khúc đã được thử thách qua thời gian và đóng đinh bởi những giọng ca nổi tiếng trong quá khứ không dễ. Mới đây Đức Tuấn làm mới nhạc Lam Phương qua album “Trọn một kiếp yêu” với 10 ca khúc, đã bị nhạc sỹ Đức Trí, giữ vai trò phối khí “dọa”: Cứ chuẩn bị tinh thần nghe khán giả chỉ trích. Nhưng may thay, Đức Tuấn nhận rất nhiều lời khen: “Âm nhạc Lam Phương rất phù hợp với chất giao hưởng. Đức Tuấn rất đúng với lựa chọn này. Một “Thành phố buồn” đỉnh cao! Một album Lam Phương xuất sắc”.

Có người còn cho rằng, “Trọn một kiếp yêu” là album Lam Phương hay nhất mọi thời đại… Tuy nhiên, một số khán giả lại nhìn nhận: “Nhạc Lam Phương đậm chất phong trần lãng tử mà giọng Đức Tuấn lại thiếu chất ấy, dù Đức Tuấn hát chuẩn nhưng vẫn cứ thiếu cảm xúc”; “Một màu nghe nhàn nhạt”; “Dòng nhạc của Lam Phương không dành cho Đức Tuấn, và chắc chắn thế hệ khán giả cùng thời với Lam Phương sẽ không đánh giá cao tâm huyết của Đức Tuấn được”… Nhưng khen hay chê đều chứng tỏ khán giả quan tâm tới Lam Phương và Đức Tuấn. 1.000 CD đã được bán hết trong lần in đầu. Họ đang in thêm 1.000 bản nữa. Thế cũng là thành công.

'Bình cũ rượu mới' vẫn nóng ảnh 2 Thanh Lam làm mới nhạc đỏ
Trường hợp của Thanh Lam xem ra không thuận lợi so với đàn em khi làm mới ca khúc cũ, cụ thể ở đây là làm mới nhạc đỏ với những ca khúc đã ăn sâu tiềm thức nhiều thế hệ khán giả: “Lên ngàn”, “Nhạc rừng” (Hoàng Việt); “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn); “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu)… Dù mẹ của nữ ca sỹ  khen con gái hát nhẹ nhàng, dạt dào tình cảm hơn thế hệ của bà, giới chuyên môn, báo chí cũng dành cho album “Nơi gặp gỡ tình yêu” của Thanh Lam đánh giá cao: Thanh Lam đã làm hồng nhạc đỏ, chẳng hạn. Nhưng với khán giả thì không hẳn vậy: “Thanh Lam hát tới đâu nổi da gà tới đó, không phải ngọt ngào mà vì quá điệu”; “Hát thế này không làm bài hát mới hơn mà làm cho cảm xúc của ca khúc bị gãy toàn bộ, rất khó nghe…”.
Bên cạnh tiếng chê thỉnh thoảng vẫn có lời khen từ “thượng đế”: “Hiếm có nghệ sỹ nào luôn tìm tòi cách thể hiện các bài hát mới mẻ và hiệu quả được như chị. Chị hát theo cách của chị, không màng tới số đông người ta thích hay không. Nghệ thuật là sáng tạo”. Nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu bênh Thanh Lam: “giọng ca không dành cho người nghe đang trong thời sức khỏe yếu”.

Khai quật tốt chứ sao?

Một ca sỹ sắp tung sản phẩm “bình mới rượu cũ” chính là Ngọc Khuê: “Tôi đã làm xong nhưng chưa phát hành thôi, đang mùa COVID mà”. Theo ca sỹ, giảng viên thanh nhạc, khoa quản lý văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Trào lưu làm mới ca khúc rất hay và nên tiếp tục. Bởi vì dòng nhạc xưa hay dòng nhạc cách mạng rất xa lạ với các bạn trẻ hiện nay. Bằng hòa âm phối khí trẻ trung hơn sẽ giúp những ca khúc này đến gần hơn với khán giả trẻ và gây tò mò với một lượng khán giả truyền thống, họ sẽ nghe thử”. Nhưng “xào” lại những ca khúc cũ, thường là những ca khúc nổi tiếng, cũng là một việc làm mạo hiểm đối với ca sỹ.

Ngọc Khuê hiểu điều này và sẵn sàng đón nhận: “Với dư luận, công chúng thì nghệ sỹ như chúng tôi luôn đón nhận cả ý kiến trái chiều, tất nhiên ý kiến ủng hộ thì tốt rồi. Nếu không có người làm mới ca khúc cũ thì một phần âm nhạc Việt luôn luôn là thế, không thay đổi”. Lý do nhiều ca sỹ chọn làm mới bài hát cũ, theo Ngọc Khuê, đơn giản vì những bài hát cũ rất hay nhưng khán giả ngày nay hoặc lãng quên hoặc không biết đến nhiều.

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến giải thích trào lưu “bình cũ rượu mới” vẫn “nóng” một cách hình ảnh: “Ẩn nấp sau những tán cây đại thụ hoặc những người đã quá nổi tiếng thường có rất nhiều cây kỳ lạ. Họ có bản sắc, có đời sống và tâm tư riêng. Việc làm mới những tác phẩm xưa cũ cũng là việc khai quật. Để chúng ta thấy di sản không chỉ là những bề nổi. Di sản là những viên kim cương thực sự. Nghệ thuật chân chính qua thời gian nhờ những nhận thức mới mẻ, bao dung và tình nghĩa của những thế hệ sau”

Nhưng vì sao những ca sỹ 9x, 10X không lựa chọn làm mới ca khúc xưa, hầu hết những ca sỹ lựa chọn “bình cũ rượu mới” đều ít nhiều đã có danh hoặc có tuổi? Lựa chọn “Bình cũ rượu mới” phải chăng vì ca khúc mới không đủ sức hấp dẫn? Nguyễn Vĩnh Tiến cười, đáp: “Cái mới hấp dẫn ca sỹ mới. Cái cũ hấp dẫn những ca sỹ có chiều sâu văn hóa”. Liệu đi theo trào lưu “bình cũ rượu mới” là cách chứng minh “chiều sâu văn hóa” của nghệ sỹ thời nay?

MỚI - NÓNG