Sống ở Mỹ 6 năm, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng trong tuần này, các xúc cảm đến dồn dập, đổi chiều, từ thương xót, tức giận, đến cảm thông, lo lắng, rồi lại tức giận… Viên cảnh sát Derek Chauvin chẹn cổ khiến người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng, làm dậy sóng biểu tình chống kỳ thị chủng tộc khắp nước Mỹ.
Nếu một người Mỹ da trắng nói hoặc làm điều gì đó không tốt, anh ta hoặc chị ta thường chỉ nhận được cái nhún vai, lắc đầu. Nhưng cùng lỗi đó, với người nhập cư, họ thường bị dè bỉu, thậm chí phải nghe những từ ngữ xúc phạm như: “Go back to your country!” (Cút về nước mày đi!). Điều đó thật bất công vì nếu truy nguồn gốc, người Mỹ da trắng cũng là người nhập cư - cha ông họ đến Mỹ cũng giống như chúng tôi, chỉ khác nhau về thời điểm.
Còn nhớ những ngày đầu tiên tôi làm giáo viên chính cho một lớp học mầm non. Tôi làm việc hăng say, cố gắng hết mình, nhưng giáo viên phụ tỏ ra không phục tôi, chỉ vì bà là giáo viên lâu năm, là người da trắng. Sau đó, bà và các đồng nghiệp khác trong trường không còn có ánh mắt soi xét, phân biệt với tôi nữa.
Cuối năm học, khi tôi quyết định rời xa ngôi trường để làm cho một trường khác gần nhà và cũng để thuận tiện hơn cho việc đi học tiếp của tôi, tất cả phụ huynh học sinh lớp tôi chủ nhiệm đều không đồng ý. Họ bảo với những gì tôi làm cho con cái họ trong một năm qua là quá đủ để chứng minh tôi đã làm tốt, không cần phải học cao lên nữa… Ngày chia tay, nhiều phụ huynh mang quà đến, viết thư lên thiệp, có người khóc khiến tôi rất cảm động. Sếp của tôi nói: “Cô là người thật đặc biệt vì từ trước tới giờ, giáo viên nghỉ việc không có gì ảnh hưởng đến phụ huynh cả, chỉ cần thông báo là xong, vậy mà cô thì hoàn toàn khác”. Đó là những kỷ niệm đẹp mà tôi luôn giữ và trân trọng.
Tại sao tôi lại kể ra một phần câu chuyện của mình trong cái chết đau đớn của George Floyd? Là vì nếu mình không chứng minh được cho người khác biết mình là ai, làm việc tốt như thế nào thì sự phân biệt chủng tộc có thể xảy ra trong chính môi trường mình làm việc. Tôi từng nói trước giáo sư và các học viên trong lớp học của tôi: “Cũng là sinh viên, nhưng với các bạn, một đề tài được đưa ra để nghiên cứu thì các bạn chỉ cần lướt qua là đã hiểu cần phải làm gì. Còn với chúng tôi, những sinh viên quốc tế, chúng tôi phải đọc đi đọc lại, phải hiểu thật kỹ vấn đề, thậm chí phải tra từ hiểu rõ nghĩa từng câu chữ mới có thể làm được”. Cùng một việc, họ chỉ cần cố gắng một, nhưng những người nhập cư như chúng tôi phải cố gắng năm, thậm chí mười lần mới bằng được họ. Nhưng khi đã làm được rồi thì mọi cố gắng đều xứng đáng.
Quay lại vấn đề biểu tình khắp nước Mỹ tuần vừa qua và sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, bản thân tôi và rất nhiều người dân Mỹ ủng hộ việc biểu tình để đòi lại công bằng, bình đẳng cho George Floyd nói riêng và những người da màu nói chung. Thậm chí, nhiều cảnh sát đang làm công tác an ninh trong các cuộc biểu tình cũng bỏ mũ ra, hòa vào dòng người diễu hành trên phố. Tuy nhiên, ở nhiều thành phố lớn đã xảy ra các cuộc bạo loạn, phá phách, cướp bóc, khiến nhiều người phải nhập viện, thậm chí bỏ mạng. Sự quá khích đã khiến cho nhiều người tức giận, căm ghét. Kẻ xấu, trong đó có nhiều người da màu, đã lợi dụng cái chết đau thương của George Floyd để gây bạo loạn, cướp bóc trắng trợn.
Tại các thành phố lớn ở các bang lớn như New York, California, Texas, Massachusetts, Minnesota…, các cuộc biểu tình xảy ra liên tục, có tổ chức, quy mô lớn hoặc bộc phát nhỏ lẻ. Ở thành phố Manchester, bang New Hampshire, nơi gia đình tôi đang sinh sống, người ta tổ chức biểu tình cuối tuần qua, nhưng họ biểu tình một cách ôn hòa, ra đường với những biển hiệu đòi lại công bằng cho George Floyd. Họ diễu hành qua các phố chính, đặc biệt là những phố có trụ sở chính quyền. Giới chức thành phố, đại diện là thị trưởng, kêu gọi người dân đi biểu tình trong yên bình để đòi quyền bình đẳng cho George Floyd. Tuy nhiên, họ cũng đang chuẩn bị những điều cần thiết cho sự an toàn của thành phố nếu có bạo loạn xảy ra.
Những ngày này, thay vì giữ khoảng cách xã hội để phòng chống COVID-19, nhiều người đổ ra đường đi biểu tình, không nghĩ đến sự tái bùng phát của đại dịch. Các nhà chức trách sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong phòng chống COVID-19 cũng như bạo loạn liên quan kỳ thị chủng tộc. Tôi tin rằng, tình hình rồi sẽ lắng dịu nhưng quan trọng hơn, đừng để dịch bệnh, bạo loạn tái diễn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mình là người yếu thế nên đừng để rơi vào thế yếu, phải sống khỏe, sống đẹp, sống có ích để người ta phải tự dỡ bỏ tâm lý coi thường…