Biểu diễn tự phát ở phố đi bộ: Vẫn lúng túng

Sẽ có qui chế quản lý đặc thù dành cho biểu diễn nghệ thuật ở phố đi bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sẽ có qui chế quản lý đặc thù dành cho biểu diễn nghệ thuật ở phố đi bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trước khi có sự việc ầm ĩ về cậu bé chơi vĩ cầm ở phố đi bộ Hà Nội cuối tuần qua, Hà Nội nghĩ tới quy chế quản lý biểu diễn nghệ thuật đặc thù ở khu vực này.

Chỉ cần thông báo

Bà mẹ của cậu bé kéo vĩ cầm ở khu phố đi bộ- gây ầm ĩ trên mạng xã hội khi nói rằng công an quát nạt truy giấy phép biểu diễn- cuối cùng phải lên tiếng xin lỗi cơ quan chức năng bởi đăng thông tin gây hiểu nhầm trong khi không có mặt trực tiếp. Thực tế, cậu bé này là một trong số trường hợp không hiếm người tham gia biểu diễn tự phát ở phố đi bộ từ thời điểm hoạt động cuối năm 2016. Đại diện Thanh tra Sở VHTT Hà Nội cho biết nửa năm lại đây nhiều lần kiểm tra và thấy nhiều nhóm biểu diễn không xin phép.

Sở VHTT Hà Nội nhiều lần khuyến cáo các nhóm, cá nhân biểu diễn tự phát ở phố đi bộ cần thông báo với Sở, nhưng hầu như Sở không nhận được thông báo nào. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhắc lại việc biểu diễn có quyên tiền không phải xin phép mà chỉ cần đăng ký, thông báo với Sở. Ông Động lí giải, thủ tục đơn giản này giúp các nhà quản lý nắm tình hình để hướng dẫn vị trí biểu diễn cũng như nội dung biểu diễn. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thành viên nhóm Xẩm Hà Thành) cho biết, dù nhóm này được Phòng Văn hoá và Trung tâm VHTT UBND quận Hoàn Kiếm mời biểu diễn, nhưng “nhóm vẫn phải báo cáo nội dung theo tháng. Họ có thể chấp nhận sự thay đổi trong mỗi buổi nhưng đều nằm trong nội dung báo cáo tháng, mỗi buổi biểu diễn vẫn có cán bộ trung tâm đến giám sát”.

Khu phố đi bộ cũng được quy hoạch các khu biểu diễn cụ thể: rạp Công Nhân, nhà Bát giác, đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố Hàng Khay, phía trước Trung tâm Văn hóa hồ Gươm và khu vực đền thờ Vua Lê. Thực tế, nhiều nhóm và cá nhân biểu diễn tự phát “vác” nhạc cụ đứng dọc trên vỉa hè sát Bờ Hồ vô tư chơi nhạc, hát. Thậm chí không hiếm người nước ngoài cũng gia nhập cuộc chơi nghệ thuật này có kèm “ngả mũ” xin tiền. Thanh tra Sở VHTT Hà Nội cũng nói thêm, việc mở hộp đàn hay mũ để khách vứt tiền chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng, trong trường hợp tái phạm mới có biện pháp cứng rắn. Được biết Thanh tra Sở thường xuyên phải nhắc nhở các nhóm biểu diễn tự phát về việc xin tiền, hoặc có nhóm biểu diễn sử dụng loa công suất lớn gây ảnh hưởng không gian chung.

Quy định cụ thể hơn

“Hướng tới sự văn minh, hoạt động có tổ chức và vì bộ mặt âm nhạc đường phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tôi ủng hộ việc cần phải có quy định cho hoạt động này. Tuy nhiên hoạt động biểu diễn tại nơi công cộng cần phải có quy định chi tiết và cụ thể hơn. Bởi nếu cứ tự phát như hiện nay đường phố của ta đang méo mó về văn hoá, ô nhiễm về âm thanh”, ông Nguyễn Quang Long phân tích. Ông cũng nói, hiện nay chưa thực sự có phân loại, kiểm soát chất lượng nghệ thuật. Nghệ sĩ guitar Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion), người truyền cảm hứng về du ca đường phố nêu quan điểm ủng hộ quy chế biểu diễn này.

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, thành phố giao UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng cơ chế đặc thù quản lý biểu diễn tại khu vực phố đi bộ, đồng thời bảo lưu quan điểm không gian phố đi bộ đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Thực tế hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng được quy định tại Điều 15, Nghị định 79 năm 2012 về biểu diễn nghệ thuật, trong đó nêu cụ thể: “Khi tổ chức ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc, trước ngày biểu diễn”.

Ở nhiều quốc gia, việc quản lý nghệ sỹ đường phố biểu diễn và “ngả mũ” nhận tiền rất chặt chẽ chứ không “dễ” như một số người tưởng, kể cả biểu diễn ngoài đường phố để làm từ thiện. Ở Anh, muốn biểu diễn âm nhạc đường phố đều phải có giấy phép hoặc miễn phí, hoặc mất từ 10-20 bảng Anh. Một số địa điểm được tự do biểu diễn không cần xin phép nhưng cảnh sát có quyền “ủn” đi nếu nhận thấy không phù hợp, ngược lại có những nơi gắn hẳn biển cấm với mức phạt tiền không nhỏ. Tại Toronto (Canada), biểu diễn nghệ thuật đường phố cần giấy phép xin tại Phòng cấp phép, có kèm theo một khoản phí và chụp ảnh. Trong quá trình biểu diễn phải tuân thủ nhiều quy định chi tiết như không dùng máy phát điện, bộ khuếch đại âm thanh, không cản trở giao thông, cách xa hoạt động biểu diễn âm nhạc khác ít nhất 50m.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.