Cách đây khoảng 10 năm, bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn của người mua nhà và cả giới đầu tư. Thế nhưng những hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cùng với hệ lụy từ những cơn “sốt ảo” đã khiến khu vực này rơi vào trầm lắng kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, cùng với sự ấm lên của toàn thị trường, bất động sản phía Tây Hà Nội cũng chứng kiến một sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản tăng cao đột biến.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ phát triển về hướng Tây dọc các trục hướng tâm mà điển hình là Đại lộ Thăng Long - một trong những trục đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Do đó, khu vực này được đầu tư mạnh mẽ hơn, ngày càng chứng tỏ vị thế trung tâm hành chính mới của mình.
`Hiện, khu vực phía tây đã hoàn thiện các hạ tầng như: đường Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài hay Quốc lộ 32… Cùng với đó là các dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang hình thành như Nguyễn Trãi qua Lương Thế Vinh, đường Trung Văn kết nối Mễ Trì - Mỹ Đình, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT kết nối khu vực… đã mở ra một diện mạo mới, tạo hấp lực thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phía Tây phát triển mạnh mẽ.
Trong các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây, nhận thấy phân khúc biệt thự, liền kề tăng cả về số lượng và giao dịch. Mới đây nhất, theo báo cáo của Savills quý 2/2017, tổng lượng giao dịch biệt thự, liền kề tại Hà Nội đạt 1.310 căn, tăng đến 126% so với quý trước và tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó nguồn cung phân khúc này tăng 4,8% trong quý 2 nên các dự án thấp tầng chất lượng cao luôn được khách hàng và giới đầu tư săn đón.
Còn báo cáo về thị trường BĐS Hà Nội của CBRE, thị trường biệt thự, nhà liền kề và nhà phố Hà Nội đã trải qua quý đầu tiên của năm 2017 cực kì sôi động, với hàng loạt dự án mở bán mới cùng với tỷ lệ bán ấn tượng. Trong quý 1 có 715 căn biệt thự, 319 căn liền kề và 204 căn nhà phố đã được mở bán, đến từ 6 dự án
Theo khảo sát của PV, có hàng nghìn biệt thự, liền kề các dự án lớn đang được triển khai như: Roman Plaza, Nhà phố 24h, Park City, Louis City, An Khánh, Thanh Hà Cienco 5, Vinhomes Thăng Long, Phú Mỹ - Dream House, La Casta…
Anh Đức Khuê, Giám đốc một văn phòng môi giới bất động sản tại Hoài Đức nhận xét, tại khu vực phía Tây Hà Nội, giao dịch liền kề, biệt thự đang rất tốt. Mỗi căn vẫn có giá 'chênh' đến hàng trăm triệu đồng.
“Cách đây 2 năm khi còn gói 30.000 tỷ đồng, căn hộ thương mại giá rẻ bán đắt hàng. Tuy nhiên, đến nay, sức mua tập trung ở phân khúc biệt thự, liền kề. Đa số là người mua có nhu cầu ở thật vì thương hiệu cũng như những tiện ích mà dự án mang lại như: trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn có những dự án chưa vượt qua được thời kỳ đóng băng của BĐS mà vẫn rơi vào tình cảnh ế ẩm. ”, anh Khuê nói.
Chia sẻ với Tiền Phong, một doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư dự án nhà xã hội ở phía Tây Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại dự án đã bán được 80% căn hộ. Tuy nhiên sau khi gói ưu đãi 30.000 tỷ kết thúc, dự án cũng trở nên trầm lắng.
'Chúng tôi phải trợ giá cho khách hàng nhưng cũng chỉ được một khoản nhất định nhưng suốt 3 tháng kể từ khi chương trình ưu đãi tung ra thì lượng căn hộ giao dịch cũng không cải thiện', vị này phân trần. Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, nhà xã hội giá chỉ dưới 1 tỷ đồng nhưng bán chật vật trong khi đất nền biệt thự, nhà liền kề mà doanh nghiệp này đang đầu tư, mỗi lô có giá vài tỷ đồng, thậm chí tới chục tỷ đồng lại 'cháy hàng'.
Trong khi đó, đánh giá về tình hình thị trường BĐS 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch hội môi giới BĐS có cái nhìn lạc quan và cho biết giá cả BĐS trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng nhẹ.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản CBRE Việt Nam nhận định về thị trường BĐS thời gian tới cho rằng, trong khi phân khúc căn hộ để bán có dấu hiệu chững lại nối tiếp từ quý I/2017, thì phân khúc nhà liền đất (biệt thự, liền kề) tiếp tục tăng trưởng nóng trong thời gian vừa qua.