Thực tế hiện nay có rất nhiều phương pháp giảm béo được quảng cáo, từ các loại thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) đến các can thiệp ngoại khoa. Đánh trúng tâm lý, nhiều người khi nghe quảng cáo giảm béo “thần tốc” giúp cơ thể thon gọn nhanh chóng thì dễ dàng tin theo. Song GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường ĐH Y Hà Nội) cho rằng, cơ thể chúng ta phải thông qua quá trình hấp thu, chuyển hoá, chứ không thể giảm cân “thần tốc”, mang lại hiệu quả ngay được, điều này chắc chắn tiềm ẩn tác dụng phụ.
“Có nhiều loại thuốc giảm béo tạo cho người dùng cảm giác no, ăn ít đi, nhưng nếu dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá. Ngoài ra có thuốc còn tác động đến nội tiết gây rối loạn nội tiết. Một số thuốc khác gây chán ăn, tiềm ẩn nguy cơ suy kiệt cơ thể. Do đó khi dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Các biện pháp phẫu thuật ngoại khoa cũng cần phải theo chỉ định chặt chẽ mới được áp dụng” – GS. Hương khuyến cáo.
Với các loại TPCN giảm cân hiện đang được rao bán khá nhiều trên thị trường, GS. Hương tư vấn người tiêu dùng cần chú ý nguồn gốc, thành phần của sản phẩm. Đặc biệt là xem xét kỹ cơ chế giảm béo thế nào, bởi lẽ thông thường các loại sản phẩm này sẽ có biệt dược, thuốc hoặc chất làm tăng cường tiêu hao mỡ cho cơ thể. Những ai muốn dùng thuốc, TPCN giảm béo thì cần gặp bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn trước khi quyết định sử dụng.
Các bác sĩ đã chỉ ra rằng, ngoài béo phì do bệnh lý thì những người béo phì do hành vi ăn uống hàng ngày cần giảm khẩu phần ăn, ăn uống khoa học, cân đối; đồng thời tăng cường tiêu hao năng lượng bằng hoạt động thể lực, đây là con đường giảm cân an toàn nhất, giúp kiểm soát được cân nặng.