Rằng qua lận đận mới thấu tận lòng nhau

'Biệt đội' khử khuẩn

0:00 / 0:00
0:00
Đội khử khuẩn BDS đến từng con đường, ngõ hẻm nhà dân diệt COVID-19
Đội khử khuẩn BDS đến từng con đường, ngõ hẻm nhà dân diệt COVID-19
TP - Tự xuất tiền túi mua dung dịch khử khuẩn rồi đến từng con đường ở Sài Gòn phun miễn phí; tìm người có hoàn cảnh khó khăn tặng phần cơm, gói mì hay vận chuyển hàng hóa cứu tế không lấy công… và còn nhiều lắm những chuyện “bao đồng” dễ thương mà người Sài Gòn đang làm giữa đại dịch.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát hơn hai tháng nay, cũng ngần ấy thời gian những tình nguyện viên Hội thiện nguyện BDS bắt đầu cuộc chiến với SARS-CoV-2 ở các khu dân cư, nhà trọ, khu cách ly trên địa bàn TPHCM.

Không thể ngồi yên

Hơn 22 giờ đêm những ngày đầu tháng 7, khi nhà nhà đều đóng kín cửa thì có những người trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mang trên vai những bình dung dịch diệt khuẩn Cloramin B, đi dọc nhiều tuyến đường ở Sài Gòn khử khuẩn phòng COVID-19.

Đó là công việc của đội khử khuẩn Hội thiện nguyện BDS làm hơn 2 tháng qua. Ông Trần Huy Đăng (49 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) - Trưởng nhóm Hội thiện nguyện BDS bộc bạch: “Tôi sinh ra ở Sài Gòn. Quê hương đang “bệnh” mà mình lại ngồi yên thì có lỗi với lương tâm lắm”.

Vốn là một tài xế lái xe cứu thương “0 đồng” chuyên chở bệnh nhân nghèo, khi dịch bùng phát tại Sài Gòn, ông Đăng tạm ngừng đưa bệnh nhân về các tỉnh để tránh lây lan dịch bệnh. Suy nghĩ phải làm gì đó giúp Sài Gòn khiến ông Đăng trăn trở mãi. Một lần xem tin tức, ông thấy ở quận Gò Vấp có những chiếc xe chở người đi phun thuốc khử khuẩn toàn quận, ông nảy ý định sẽ cùng nhóm tài xế xe cứu thương 0 đồng của mình làm việc này.

'Biệt đội' khử khuẩn ảnh 1

Pha dung dịch khử khuẩn trước khi làm nhiệm vụ

Nghĩ là làm, ông tìm mua thuốc diệt khuẩn, tự mày mò học cách pha chế thuốc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, mất mấy ngày liền, ông mới tìm được đúng loại thuốc và nơi bán uy tín, có giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Sau đó, ông mua thử một chiếc máy phun về thử nghiệm.

“Mấy hôm đầu, do chỉ mặc đồ bảo hộ, mang khẩu trang y tế và tấm chắn giọt bắn nên các thành viên bị ngấm thuốc khử khuẩn, về nhà ai cũng lăn ra cảm. Việc hít nồng độ thuốc lớn ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi nghiên cứu lại, tôi trang bị thêm những thiết bị bảo hộ chuyên dụng để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên” - ông Đăng chia sẻ.

Theo đội khử khuẩn BDS, ban đầu, đội khá khó khăn khi liên hệ đến các địa phương có nơi phong tỏa, cách ly, khu phố có nguy cơ cao để khử khuẩn. Dần dần, đội khử khuẩn BDS trở nên quen thuộc với chính quyền. Khi kết nối và được địa phương hướng dẫn từng điểm, nhóm ông Đăng sẽ di chuyển đến làm nhiệm vụ. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần địa phương thông báo có ca F0 hay nơi nào cần phun khử khuẩn, “biệt đội” tức tốc đến hỗ trợ miễn phí.

“Hiện tại mỗi ngày, chúng tôi đi rất nhiều điểm nóng. Đó có thể là nơi vừa phát hiện ca dương tính, mình đến khử khuẩn khu vực này, ngay tại nhà của người bị mắc COVID-19 và những nhà lân cận. Điểm đến đa số là nơi có nguy cơ cao như khu cách ly tập trung, khu vực đang phong tỏa hoặc những hẻm nhỏ, khu nhà trọ mà xe phun khử khuẩn chuyên dụng không vào được” - anh Nguyễn Đình Văn - thành viên đội chia sẻ.

Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, đội thường khử khuẩn cho nhau để phòng bệnh. Dẫu vậy, nỗi lo nguy cơ mắc vẫn rất cao, đòi hỏi toàn đội làm việc với tinh thần trách nhiệm và bảo vệ bản thân cao nhất.

Nguyễn Lâm Trung Hiếu (15 tuổi) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội tâm sự: “Em đang học lớp 9, đợt này được nghỉ học do Sài Gòn đang có dịch nên em xin phép gia đình tham gia đội của chú Đăng đi phun khử khuẩn ở Sài Gòn. Ba mẹ biết chuyện cũng hơi lo lắng, nhưng luôn động viên vì biết công việc em đang làm việc có ích cho xã hội và tích lũy thêm kỹ năng sống cho bản thân”.

Mong Sài Gòn mau khỏe

Hai tháng qua, có những buổi trưa nắng gay gắt, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các thành viên mang trên vai bình dung dịch nặng hơn 30kg, đi từng ngóc ngách, khu nhà trọ, nơi đông công nhân làm nhiệm vụ khử khuẩn.

Có hôm, đội chỉ khử khuẩn một điểm, nhưng có những ngày đến tận 10 điểm. Xuyên đêm làm nhiệm vụ đã trở thành “chuyện thường ngày của đội”. Cứ mỗi lần di chuyển đến một điểm mới, cả đội đều buộc phải thay đồ bảo hộ khác.

Từ những người xa lạ, 20 thành viên đội phun khử khuẩn BDS gặp nhau bởi tinh thần thiện nguyện. “Đây là công việc nhiều niềm vui và ý nghĩa. Nhiều anh em ở Long An, Tiền Giang... lên TPHCM gia nhập “biệt đội”. Suốt mấy tháng qua, chúng tôi ở lại nhà chú Đăng và chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Dù ai cũng có gia đình, cũng nhớ vợ con, cha mẹ… nhưng không dám về vì đang dịch và xã hội cần mình” - anh Nguyễn Hoài Hận (31 tuổi, quê Sóc Trăng) tâm sự.

Công việc thầm lặng nhưng có không ít niềm vui “nhỏ nhỏ” tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đội khử khuẩn BDS. Có hôm là những chai nước suối mát lạnh, có khi là những quả trứng gà nóng hổi… Lắm khi, người dân biết đội đang dừng chân nghỉ mệt ở đâu đó, đã nấu đồ ăn đem đến tặng…. “Đó là những động lực giúp đội duy trì hoạt động, góp sức cùng tuyến đầu chống dịch” - anh Thạch Thanh thổ lộ.

“Nhiều khi ngồi nghỉ mệt, nhiều thành viên gọi về nhà, con nhớ cha, vợ nhớ chồng… nhưng khi cảm xúc qua đi, mọi người lại lên dây cót tinh thần, tiếp tục lăn xả vào vùng dịch để hỗ trợ người dân. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục công việc này đến khi Sài Gòn hết dịch”.

Ông Trần Huy Đăng - Trưởng nhóm Hội thiện nguyện BDS

Ở hẻm nhỏ, ông Huy Đăng phân công người phun thuốc, người kéo xe mang theo thuốc rồi xin nước ở từng hộ gia đình để pha. Con gái ông là Hồng Đào, năm nay 23 tuổi thường nhận nhiệm vụ đi trước, đọc loa hướng dẫn người dân đóng cửa. Những nơi chật hẹp, cô xung phong đi bộ phía trước để nhắc bà con vào nhà, đóng kín cửa trong lúc đội làm nhiệm vụ.

Đêm về, chân ai cũng mỏi nhừ. Mồ hôi ướt đẫm, đôi bàn tay của các thành viên đều phồng rộp lên vì ngấm nước và dung dịch khử khuẩn sau nhiều ngày thực hiện công việc. Mệt nhưng mọi người tự bảo nhau, cố thêm vì còn nhiều người đang chờ mình.

Chị Trần Thanh Ngọc - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 10 cho biết: “Từ khi bùng dịch đến nay, đội khử khuẩn BDS tình nguyện giúp đỡ quận rất nhiều. Người dân quận 10 biết khu mình sinh sống được diệt khuẩn nên nhiều người vui lắm.

Với mong muốn đem lại sự an toàn cho người dân, ngày cũng như đêm, nơi đâu có COVID-19, nơi đó có sự sẵn sàng của những con người tình nguyện này.

MỚI - NÓNG