Biết cá nóc độc nhưng vẫn ăn, người đàn ông nhập viện nguy kịch

TPO - Dù đã nghe nhiều thông tin từ báo đài cảnh báo về việc ăn cá nóc dễ bị ngộ độc, một người đàn ông quê Hậu Giang vẫn chế biến món ăn từ loại cá này vì nghĩ do người ta làm không sạch ruột cá nên mới bị ngộ độc.
Biết cá nóc độc nhưng vẫn ăn, người đàn ông nhập viện nguy kịch ảnh 1 Hiện ông V. đã ổn định sau khi được cấp cứu kịp thời - Ảnh: Kim Hà.

Ngày 4/6, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, vừa cứu sống một nam bệnh nhân ngộ độc nguy kịch do ăn cá nóc.

Người đàn ông nói trên là ông Nguyễn Văn V. (56 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Theo lời ông V. kể lại, một ngày trước khi nhập viện, ông đi đặt lờ và bắt được nửa kí cá nóc. Mặc dù biết cá nóc rất độc nhưng vì lâu rồi không ăn và nghĩ người ta bị ngộ độc là do không làm sạch ruột cá nên ông quyết định chế biến cá và ăn 3 con.

Sau khi ăn xong, ông V. có biểu hiện tê hai bàn tay, dần dần tê hai chân, tê môi,… người nhà lập tức đưa đến bệnh viện đa khoa Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) cấp cứu, thực hiện các phương pháp sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại đây, ông V. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở máy, rồi chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

Sau một ngày điều trị tích cực, hiện ông V. ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, còn tê nhẹ hai tay, dự kiến chuyển đến Khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học điều trị tiếp.

Theo BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực khuyến cáo, chất độc của cá nóc là một trong những loại độc tố mạnh nhất, tập trung nhiều ở da, gan, ruột, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trứng cá. Vì vậy, dù có làm sạch thế nào đi nữa thì độc tố vẫn còn. Do đó, tốt nhất người dân không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn để tránh bị ngộ độc.

Với loại độc tố này, nếu ăn vào chỉ từ 5 - 20 phút sau sẽ bắt đầu hấp thu, phát tán. Trường hợp nặng bệnh nhân sẽ bị liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ, huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỉ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.

MỚI - NÓNG