Biển, vốn ngàn đời lặn sâu vào đời sống và tâm thức Việt. Cùng lúc vẫn đang hiển hiện quanh chúng ta. Nhưng với 93 bức ảnh trắng đen nét chụp vạm vỡ, phóng khoáng, hồn nhiên mà quặn thắt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đã đưa người xem đến một đời-sống-biển ở tầng đáy sâu của vẻ đẹp và nỗi niềm.
Là khung cảnh ngàn đời sóng vỗ thân thuộc. Là gương mặt, dáng vóc, nụ cười biển. Là văn hóa, tâm linh. Và cũng mênh mông những nghĩa trang biển…
Sự ngân nga đến hồn nhiên gợi lên từ những câu ca cao, tục ngữ được tác giả chọn đặt tên cho từng tác phẩm của mình một cách độc đáo.
Nhưng rồi cũng phải sững lại, với những con thuyền chết, bờ cát chết, chài lưới chết. Đủ kiểu chết, thủy táng, thiên táng, hỏa táng, rác táng, … Như những lời kêu cứu.
Người nghệ sĩ sinh ra lớn lên nơi làng biển Thọ Quang, Đà Nẵng, dụi mặt vào cát từ những giấc ngủ đầu tiên, cho tới nay tròn 60 tuổi đời, vẫn mải miết với biển.
Triển lãm chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng ngàn bức ảnh mà ông dành bao tháng năm một mình lang thang khắp nẻo đất nước với khát khao tự mình “đi hết biển”.
Những bức ảnh được ông đưa vào cuốn sách cùng tên dày dặn, bề thế ra mắt cũng trong dịp này
Một số tác phẩm ảnh của NSNA Mỹ Dũng tại triển lãm
“Ngó ra ngoài biển ba lần/ Thấy anh ở trần trong bụng xót xa” (Ảnh chụp tại Mũi Điện, Kê Gà, Bình Thuận)
“Chừng nào chim nọ lìa cành/ Cá kia lìa biển anh đành lìa quê” (ảnh chụp tại La Gi, Bình Thuận)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng