Biển thiếu ngư dân, ông già, học sinh cũng ra khơi

TP - Ngư trường nhiều nơi ở miền Trung đang trong tình trạng khan hiếm lao động, khiến nhiều chủ tàu chật vật tìm bạn thuyền cho mỗi chuyến ra khơi. Bất đắc dĩ họ phải sử dụng người thân, từ ông già tới học sinh cũng ra khơi, thấp thỏm lo sợ rủi ro...

Cuộc trở về của 5 ngư dân trong cùng một gia đình của thuyền trưởng Võ Văn Lựu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) sau khi tàu cá QNg 90479 của họ bị Trung Quốc đâm chìm giữa Hoàng Sa hôm 9/7 khiến không chỉ trong dòng họ, mà cả làng chài được phen hốt hoảng.

Có tới 3 thế hệ cùng trên một con tàu cá loại nhỏ 430 CV, gồm ông nội Võ Băng (72 tuổi), hai con trai ông Băng là thuyền trưởng Lựu (52 tuổi) và Võ Thanh Hương. Thêm 2 ngư dân “bất đắc dĩ” nữa là Võ Văn Cầu, 17 tuổi, con trai thuyền trưởng đang học lớp 11, và Nguyễn Trung Hậu - con rể thuyền trưởng, vốn đang là một… thầy giáo tiểu học trên núi về nhà nghỉ hè!

Biển thiếu ngư dân, ông già, học sinh cũng ra khơi ảnh 1

Ba ngư dân đặc biệt trên tàu cá của ông Võ Văn Lựu vừa bị Trung Quốc đâm chìm giữa Hoàng Sa thoát chết trở về: Ông nội Võ Băng (72 tuổi), cháu rể Nguyễn Trung Hậu đang là thầy giáo, và cháu nội Võ Văn Cầu, 17 tuổi đang học lớp 11 (từ phải qua). Ảnh: H. Văn.

Khi 5 người thân vừa cập bờ an toàn trên con tàu cứu nạn của bạn chài trong làng, bà Nguyễn Thị Năng vợ thuyền trưởng Lựu ôm chầm lấy đứa con trai Võ Văn Cầu. “Cả cha, chồng, con, anh em ở hết trên tàu nên mỗi chuyến đi tôi lại cầu nguyện. Từ khi nghe tin tàu nhà bị tàu Trung Quốc đâm chìm tôi như không thở nổi. May mà thoát nạn, không thì …”, bà Năng bật khóc.

Bà Năng cho biết nghề biển vốn đã nhiều rủi ro thiên tai, nay lại đến “nhân tai” liên tiếp nên nhiều người trong làng không còn mặn mà. Thanh niên trai tráng trong làng đua nhau đi xuất khẩu lao động, chủ tàu thường phải đi địa phương khác để kiếm bạn thuyền nhưng cứ làm được dăm bữa, ứng tiền rồi…mất liên lạc.

“Nhân lực nghề biển đang ngày càng khan hiếm, nhất là nghề lặn khiến ngư dân gặp khó trong việc phát triển sản xuất. Giới trẻ phần lớn lại theo đuổi giấc mơ làm giàu bằng con đường xuất khẩu lao động. Nếu Nhà nước không có những giải pháp tích cực và kịp thời  hỗ trợ ngư dân thì sợ rằng sẽ ít dần ngư dân bám biển, gìn giữ chủ quyền…”. 

Ông Hùng lo ngại 

Ngư dân Trần Văn Thoa (thôn Phú Quý, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNg 90689, cho biết vợ chồng anh đầu tư con tàu công suất 720 CV này với giấc mơ làm giàu nhờ biển. Hai vợ chồng mạnh dạn vay mượn mua con tàu này thay cho chiếc ghe nhỏ trước chỉ đánh bắt ven bờ. Phương thức khai thác bằng nghề lặn bắt, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Nhưng mấy năm gần đây nghề biển thường xuyên gặp khó. Khi thì thương lái ép giá, thiên tai, rủi ro trên biển. Đau đầu nhất là việc tìm bạn tàu ngày càng khó.

Thuyền trưởng Thoa từng lặn lội vào Nha Trang (Khánh Hòa) để tìm người nhưng cũng chỉ được một thời gian họ lại kiếm cớ nghỉ, bất đắc dĩ anh phải “lôi kéo” những người thân trong gia đình, bà con để việc làm ăn được thuận, ổn định. Hiện giờ 13 thuyền viên của tàu đều là anh em trong nhà. “Cũng là bất khả dĩ thôi chứ biển giã mà, biết đâu được…” - anh Thoa buông tiếng thở dài.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn), cung cấp: Địa phương hiện có 430 tàu (trong đó có 160 tàu đánh bắt xa bờ) hành nghề lưới chuồn và lặn ở hai ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa. Sản lượng hằng năm 13 – 14 ngàn tấn. Trước kia tàu nhỏ thì ngư dân chủ yếu đánh bắt ven bờ, nhưng hiện nay ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. “Rủi ro thiên tai thì đã đành nhưng thời gian gần đây ngư dân cũng không yên tâm khi liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đâm va, gây thiệt hại”, ông Hùng thừa nhận.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.