'Biến sắn thành xăng', người trồng điêu đứng

'Biến sắn thành xăng', người trồng điêu đứng
TP - Theo đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt tháng 11-2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số doanh nghiệp đã chi nhiều ngàn tỷ đồng để xây nhà máy sản xuất Ethanol, dùng pha chế cho xăng E5 (5% Ethanol + 95% xăng A92). Tuy nhiên, nay xăng E5 rất ít người dùng, kéo theo cả vùng nguyên liệu sắn của nông dân nhiều tỉnh “chết” theo...

> Nông dân cả huyện thuê đất trồng khoai

Người trồng sắn (ảnh nhỏ) đang dở khóc dở cười vì bị doanh nghiệp bỏ rơi. Ảnh: Xuân Phú - Nam Cường
Người trồng sắn (ảnh nhỏ) đang dở khóc dở cười vì bị doanh nghiệp bỏ rơi. Ảnh: Xuân Phú - Nam Cường.

Nông dân điêu đứng

Giữa rừng sắn bạt ngàn hơn 3ha ở thôn Nam Phước (xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam), nông dân Nguyễn Văn Sơn hằng ngày quanh quẩn bên từng bụi sắn, hụt hẫng bởi sự đứt đoạn quá nhanh của sợi dây liên kết: nông dân - nhà máy Ethanol Đồng Xanh (Cty cổ phần Đồng Xanh) vừa mới năm ngoái đây thôi được coi là rất bền chặt, có lợi đôi bên.

Cây sắn của ông Sơn cao, xanh tốt bời bời, củ to, tròn căng. Nhưng đã đến kỳ thu hoạch, ông Sơn vẫn không dám thuê người nhổ.

“Nhổ làm chi khi nhà máy không thu mua nữa? Sắn tươi bán không ai mua, sắn khô thì tư thương ép giá. Theo lời hứa ban đầu của Cty Đồng Xanh, tui trồng là để bán cho họ, nếu biết tình trạng này đã không dại gì lao đầu vào” - ông Sơn chua chát.

Nhà máy Ethanol Dung Quất, Đồng Xanh không mua, dân trồng sắn ở đây đành chuyển sắn bán cho nhà máy bột mỳ ở Bình Sơn, dù bị ép giá
Nhà máy Ethanol Dung Quất, Đồng Xanh không mua, dân trồng sắn ở đây đành chuyển sắn bán cho nhà máy bột mỳ ở Bình Sơn, dù bị ép giá.

Năm ngoái, khi nhà máy Ethanol Đồng Xanh đi vào hoạt động, đại diện Cty cùng chính quyền địa phương hô hào, phát động toàn dân trồng sắn, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, được xem là cú hích kinh tế, giúp dân thoát nghèo.

Hưởng ứng, ông Sơn cùng hàng trăm hộ dân khác của 3 thôn Nam Phước, Xuân Tây và An Chánh đồng loạt phá bỏ cây trồng trên đất để lấy diện tích cho sắn.

Giá thị trường cho mỗi kilôgam sắn tươi lúc đó gần 2.000đ/kg, Cty mua tại nhà máy, chỉ 1.500đ - 1.700đ/kg nhưng nông dân vẫn vui vẻ bởi nhà máy mua sỉ.

Nhưng rồi bây giờ sắn đang vào vụ thu hoạch, nhà máy thông qua chính quyền xã ra thông báo: không thu mua nữa, người dân trồng sắn tự thu hoạch, tự bán tùy thích, nhà máy không can thiệp.

Mùa mưa lũ cận kề, sắn không nhổ sẽ bị nước ngâm thối, nhổ lên bán sắn tươi không ai mua, cũng không thể cắt lát phơi vì không có nắng. Rất may, một tiểu thương ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) đã ra tay nghĩa hiệp thu mua sắn tươi, với giá chỉ còn... 1.200 - 1.400đ/kg nhưng số lượng cũng không nhiều.

Anh Đỗ Hai (thôn Nam Phước) cũng có hơn 2ha sắn đang đến mùa thu hoạch, thất vọng: Trước khi làm quảng bá rầm rộ, rồi cái nhà máy to thế kia, chẳng lẽ không thu mua nổi mấy tấn sắn của dân. Năm ngoái, anh Hai cũng đã phá bỏ rừng keo tràm vài năm tuổi để hưởng ứng chiến dịch trồng sắn cho nhà máy.

Trung bình, mỗi héc ta sắn phải đầu tư gần 10 triệu đồng, chưa kể công gieo trồng, chăm bón và nhổ. Nhà máy xăng Ethanol Đồng Xanh ban đầu hỗ trợ giống, nhưng chỉ một vài hộ trồng số lượng nhiều.

Chung cảnh ngộ, anh Võ Trung Thành (An Chánh), nói: “Tui đã phá hết rừng sắn rồi, sang năm trồng cây khác”. Anh Nguyễn Hữu (thôn Xuân Tây), khẳng định: “Không trồng sắn nữa, để đất trồng keo hoặc cây ăn trái”.

Nhà máy nợ lương, ngừng hoạt động

Ông Nguyễn Văn Sơn với rẫy sắn đến kỳ thu hoạch nhưng chưa biết bán cho ai
Ông Nguyễn Văn Sơn với rẫy sắn đến kỳ thu hoạch nhưng chưa biết bán cho ai .
 

Bà Đinh Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: Lúc đầu, nghe quy hoạch trồng sắn với diện tích lớn 2.500ha, huyện mừng lắm. Bao năm nay nhiều hộ dân cũng trồng sắn nhưng đầu ra phập phù.

Ví như hiện nay, hồi đầu năm giá sắn 2.500đ/kg, nhưng giờ đây chỉ còn 1.500đ/kg. Nếu nhà máy Ethanol mà mua, chắc phải số lượng lớn, đầu ra ổn định.

Ai cũng thích, thế là đồng loạt trồng sắn. Nhưng từ đó đến nay, chờ mãi chẳng thấy đâu, ai cũng thất vọng.

Ông Nguyễn Tấn Tài - trưởng thôn Nam Phước, nói: Người dân xung quanh biết hết, nhà máy ngừng hoạt động mấy tháng nay rồi, công nhân ngày nào cũng tụ tập đòi lương. Nợ họ mấy tháng không trả, ngân hàng thì đến xiết hàng ngay tại nhà máy, họ lấy đâu ra tiền mà mua sắn, mua về cũng vứt đống.

Ông Tài cho hay, những lô hàng đầu tiên, nhà máy mua 2.100đ/kg, nhưng lập tức giảm giá xuống 1.500đ/kg ngay sau đó, mặc người dân phản đối.

Chiều 2-10, có mặt tại nhà máy Ethanol Đồng Xanh, chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân tụ tập đòi lương, một cảnh quen thuộc ở đây trong nhiều tháng qua. Anh Trần Văn Tuấn (phân xưởng cồn), nói: “Họ nợ lương mấy tháng, cứ hứa miết.

Chúng tôi cũng không hiểu họ khó khăn vì cái gì khi mấy tháng trước vẫn chạy đều, hàng xuất khẩu ầm ầm. Hiện có 2 lớp bảo vệ ở nhà máy, một bảo vệ của Cty Đồng Xanh, số khác là bảo vệ của ngân hàng, đến canh chừng số hàng hóa chưa xuất ở nhà máy.

Nếu Cty xuất toán, ngân hàng sẽ chặn đầu, thu hồi vốn mà Cty đang mắc nợ.

PV nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Cty Đồng Xanh để tìm hiểu vấn đề, nhưng đều nhận được sự im lặng. Một nhân viên phòng tài chính kế toán cho biết, toàn bộ lãnh đạo Cty đã đi công tác nước ngoài, không thể tiếp nhà báo.

Ông Hồ Xuân Hội - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, đúng là có chuyện người dân bị nhà máy lật kèo vụ mua sắn. Nhà máy gặp khó gì thì không ai biết, chỉ thấy họ ngừng sản xuất hơn 3 tháng nay. Nhưng nhà máy sản xuất Ethanol ở Đại Tân ngừng hoạt động cũng có cái lợi, để dân bớt ngửi mùi hôi thối.

Từ khi họ hoạt động, dân đến xã, huyện, rồi lên tỉnh nhiều lần kêu kiện vì họ xả thẳng nước ra môi trường, cá, vịt chết, thối khắp cả vùng. Tỉnh cũng phạt họ 175 triệu rồi nhưng sau đó không thay đổi. Giờ họ tạm ngừng thì dân trồng sắn khổ, nhưng không khí trong lành hơn.

Nhà máy Ethanol không mua, dân bị ép giá

Bên cạnh 2.500 ha sắn của dân làm nguyên liệu cho nhà máy Ethanol Đồng Xanh ở Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi cũng quy hoạch tới 16.500 ha đất cho cây sắn để phục vụ nhu cầu hoạt động của Cty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PTSC) tại 12 huyện lỵ trong tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay nhà máy sản xuất Ethanol của PTSC mới đang chạy thử, chưa hoàn thiện nên không mua trực tiếp sắn tươi của dân (chỉ mua sắn lát). Vì thế dân trồng sắn Quảng Nam và Quảng Ngãi chỉ còn trông chờ bán sắn cho nhà máy bột mỳ ở Tịnh Phong (Sơn Tịnh) và Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, nên thường xuyên bị ép giá.

Nhà máy Ethanol ở Đại Lộc (Quảng Nam) do Cty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư, tổng đầu tư gần 900 tỷ đồng, nếu vận hành hết công suất sẽ cung ứng cho thị trường 100.000 tấn cồn Ethanol/năm (tương đương 125 triệu lít).

Ngày thành lập, ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Cty Đồng Xanh, trả lời báo chí: 50% sản phẩm làm ra sẽ được ký hợp đồng bán trọn gói cho PV Oil, 50% sản phẩm ethanol còn lại sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Philippines... vì thị trường trong nước không tiêu thụ hết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG