Biến những quyết định của Đại hội XIII của Đảng thành hiện thực

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Như Ý
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Như Ý
TP - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế. Tiền Phong ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số địa phương về nội dung này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy:

 Tự tin hơn, vững tâm hơn

Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu kỹ các văn kiện cũng như thảo luận các giải pháp để sớm triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngay sau khi Đại hội kết thúc, đảm bảo sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Chúng ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đặc biệt trong Nghị quyết XIII của Đảng đã đề cập việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong tiến trình đổi mới cũng không thể tránh khỏi những bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Chính vì vậy, nhiệm kỳ XII của Đảng đã đặt ra vấn đề này và đã đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của mỗi địa phương và của đất nước. Chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương này, vì như vậy, lãnh đạo địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển địa phương cũng như của đất nước.

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường:

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ rừng

Đối với Tây Nguyên, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng hết sức quan trọng và cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn ý thức được điều này. Trên cơ sở đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi phấn đấu nâng độ che phủ rừng từ 38% lên 42 - 44%. Để làm được điều này, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh quản lý bảo vệ rừng, tích cực trồng rừng; kể cả rừng sản xuất. Cùng với đó có những quy định rất cụ thể về bảo vệ rừng.

Nếu như cán bộ chính quyền địa phương để mất rừng thì bị xử lý ở từng mức độ theo quy định. Đây là điểm mới mà trước đây chưa có. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát bảo vệ, phát triển rừng. Vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã xử lý một số chủ rừng, đưa ra khởi tố một số trường hợp.

Đây là những thông điệp rất mạnh mẽ để gắn trách nhiệm cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cấp ủy, chính quyền. Nếu cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hay chuyển đổi đất không đúng mục đích hoặc phá rừng, sẽ bị cách chức. Qua đó sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ rừng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng:

Gần dân, lắng nghe dân

Một trong những tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên là phải gần dân, học dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đây cũng là một trong những nội dung được các văn kiện của Đại hội đề cập. Là cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi càng thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc”, càng phải thực hiện tốt phần việc của mình là vì dân.

Công tác ở tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa với trên 84% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi càng phải gần dân hơn nữa, sát dân hơn nữa. Qua đó, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động sản xuất và góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Để cụ thể hóa chủ trương này, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đề ra các chương trình, mục tiêu cụ thể. Trong đó tập trung thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải gần dân, hiểu dân để làm sao có các mô hình, cách làm hay, sát thực, dễ học, dễ làm theo. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt các hiệp định về phân giới, vừa bảo vệ được chủ quyền, an ninh biên giới, vừa động viên đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Hai việc này chúng tôi đang triển khai và làm rất hiệu quả.

MỚI - NÓNG