Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung

Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung
Mặc dù phải đến ngày 7/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung mới có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại California, nhưng tin tức về cuộc gặp quan trọng này đã lan tràn trên các trang báo khắp thế giới.

Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung

> Rèn cán, chỉnh quân, ông Tập Cận Bình mưu tính gì? 

Mặc dù phải đến ngày 7/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung mới có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại California, nhưng tin tức về cuộc gặp quan trọng này đã lan tràn trên các trang báo khắp thế giới.

Ông Tập Cận Bình từng thăm Mỹ khi chưa nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình từng thăm Mỹ khi chưa nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc.
 

Theo thông báo từ cả Washington và Bắc Kinh, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama sẽ diễn ra ngày 7 và 8/6 tại một khu trại ở Rancho Mirage. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của hai nước gặp gỡ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức hồi tháng Ba. Tuy nhiên trong quá khứ, ông từng thăm Mỹ và thời trẻ từng sống ở đây một thời gian.

Nhà Trắng ra thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ "thảo luận sâu về nhiều chủ đề liên quan đến quan hệ song phương, khu vực và quốc tế. Hai bên cũng sẽ xem xét các tiến bộ và thách thức trong quan hệ Mỹ-Trung bốn năm qua và thảo luận cách thức tăng cường quan hệ những năm tới, trong khi vẫn có khác biệt”.

Trong khi đó, thông cáo của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, hai bên sẽ trao đổi quan điểm với nhau trong nhiều chủ đề. Người Phát ngôn Tần Cương cho biết, cuộc gặp này rất quan trọng cho việc phát triển lâu dài quan hệ Mỹ-Trung một cách vững chắc và tốt đẹp, cũng như cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế.

Ngay sau khi thông cáo được phát đi, truyền thông thế giới đã nóng với những dự báo về chi tiết nội dung cuộc gặp của hai ông Tập Cận Bình và Obama. Giới phân tích cho rằng, vấn đề về hạt nhân của Bình Nhưỡng và tình hình trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ có mặt trong chương trình nghị sự. Ngoài ra, chủ đề Syria mà Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc ủng hộ cho các biện pháp cứng rắn hơn, có thể sẽ được bàn đến. Mỹ cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc nhằm kiềm chế thái độ thù địch của Triều Tiên và tìm kiếm một bước đột phá về mặt ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Syria.

Một chủ đề khác là căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia láng giềng. Về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, Washington từng tuyên bố không đứng về bên nào, song kêu gọi các bên liên quan xử lý đúng với luật pháp quốc tế và coi trọng vấn đề an ninh hàng hải.

Cuộc gặp sắp tới được đánh giá là động thái có ý nghĩa lớn của Tổng thống Obama kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai nhằm củng cố mối quan hệ song phương quan trọng nhưng rất "mong manh" giữa hai nước.

Trong mối quan hệ kinh tế song phương và quy mô lớn, Washington và Bắc Kinh vẫn thường "lời qua tiếng lại" về các vấn đề thương mại. Mặc dù đã thừa nhận tình hình được cải thiện kể từ khi Trung Quốc cho phép nâng giá đồng nhân dân tệ vào tháng 6.2010, song Mỹ vẫn bày tỏ quan ngại về vấn đề tiền tệ từng làm nảy sinh nhiều căng thẳng giữa hai nước. Ngoài ra, việc Mỹ tố Trung Quốc liên quan đến bê bối tình báo mạng cũng khiến hai nước có nhiều quan điểm bất đồng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng với chính sách chuyển hướng về châu Á của Tổng thống Obama và tức giận trước việc Mỹ ủng hộ một số nước Đông Nam Á đưa các tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực Thái Bình Dương lên bàn đàm phán đa phương. Trung Quốc khăng khăng muốn giải quyết vấn đề theo nguyên tắc song phương với các quốc gia mà họ đang có tranh chấp.

Theo Quang Minh
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG