Biển Đông 'hâm nóng' đề Địa lý, thí sinh trúng tủ

Biển Đông 'hâm nóng' đề Địa lý, thí sinh trúng tủ
TP - Thí sinh hứng thú vì vấn đề thời sự biển Đông tiếp tục xuất hiện trong đề Địa lý. Nhiều thí sinh khối C “trúng tủ” đề Địa. Trong khi đó, đề Toán, Sinh (khối B), Anh Văn (khối D) và Lịch sử (khối C) năm nay được nhận định không quá khó, vừa sức với thí sinh.

> Rủi ro rình rập từ khâu làm bài đến chấm thi
> Sai sót ít, chỉnh sửa nhanh

Tại TP Đà Nẵng, thí sinh kết thúc đề thi môn Địa lý đầu tiên với thái độ tự tin, tươi cười. Thí sinh Nguyễn Bảo Anh (dự thi khối C vào Báo chí, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho hay: “Mình trúng tủ vì phán đoán đúng đề Địa sẽ có câu hỏi về biển Đông”.

Đề 4 câu, có 2 câu liên quan biển đảo. Thí sinh Trần Phạm Tuấn Anh, dự thi khối C (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho rằng, đề Địa năm nay khá dễ thở, tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh. Nắm kiến thức về biển đảo, thí sinh dễ phân tích câu những điều kiện tự nhiên để phát triển ngành thủy sản nước ta.

Theo nhiều thí sinh, câu vẽ biểu đồ thể hiện quy mô, cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế cũng không quá đánh đố. “Mình mất khoảng hơn 2 tiếng để hoàn thành bài thi của mình, còn lại dành thời gian kiểm tra, soát bài. Nhìn chung với đề Địa này, khả năng đạt 7-8 điểm sẽ không quá khó”, thí sinh Hoàng Văn Tùng (quê Quảng Trị, dự thi khối C, Sư phạm Văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), nói.

Tại Hội đồng thi CĐ Công nghệ Đà Nẵng, thí sinh kết thúc bài thi môn Toán (khối D) với tâm trạng khá thoải mái. Theo các thí sinh, đề thi 9 câu, trong đó có 6 câu phần chung và 3 câu phần riêng. Các câu hỏi đều nằm trong kiến thức cơ bản SGK, tập trung nhiều lớp 12. “Đề thi không dài và đánh đố thí sinh. Nắm kiến thức cơ bản, thí sinh sẽ dễ kiếm 6-7 điểm.

Chỉ một số ít câu hỏi mang tính phân loại”, thí sinh Phạm Thị Thanh Thảo, dự thi khối ĐH Ngoại ngữ nhận định. Hội đồng thi THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng), nhiều thí sinh dự thi khối B kết thúc bài thi Toán sớm. Theo các thí sinh, đề Toán năm nay có phần dễ hơn so với đề Toán khối A, A1.

Khoảng 3 câu mang tính phân loại cao, đặc biệt câu về bất đẳng thức khá “lạ”. Thí sinh Nguyễn Thị Tú Quyên, dự thi khối B, ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhận định: câu hỏi bất đẳng thức không xuất hiện nhiều trong những bộ đề Toán ĐH gần đây nên bọn em chủ quan không ôn tập.

Tại Hội đồng thi CĐ Công nghệ Đà Nẵng, thí sinh kết thúc bài thi môn Anh văn cho rằng, đề 80 câu, không quá dài với thời gian 90 phút trắc nghiệm. Một số câu hỏi phân loại tập trung phần đọc hiểu.

Thí sinh Phạm Văn Tường (dự thi khối D, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) cho rằng, so đề thi khối A1, đề Anh khối D có phần khó hơn, tuy nhiên câu hỏi phân bố đều kiến thức ngữ pháp, từ vựng, câu, đọc hiểu và nằm kiến thức cơ bản nên thí sinh thoải mái khi làm bài. “Một số từ vựng khá mới là khó với thí sinh. Phần đọc hiểu hơi dài nhưng thí sinh chỉ cần tập trung có thể phán đoán câu trả lời chính xác để lựa chọn”, Tường nói.

Dễ đạt điểm trung bình

Nhiều thí sinh hứng thú sau khi thi môn Địa lý. Ảnh: Ngọc Châu
Nhiều thí sinh hứng thú sau khi thi môn Địa lý. Ảnh: Ngọc Châu.
 

Tại TPHCM, ngày 9/7, cùng với thí sinh trên cả nước, tại TP HCM, hơn 220 ngàn thí sinh thi vào 38 trường ĐH bước vào ngày thi đầu tiên của đợt 2.

Ở môn Toán theo ghi nhận, ngay sau 2/3 thời gian, nhiều thí sinh đã rời phòng thi sớm vì không làm được bài. Tuy nhiên, cũng có một số thí sinh cho rằng đề Toán không khó và rất dễ kiếm được điểm 5. Nguyễn Huỳnh Nhiên, thi khối B vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, so với đề Toán khối A (đợt 1) đề Toán khối B khó hơn nhiều.

Nhận định về đề Toán, thầy Ngô Thiện, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho rằng, đề Toán khối B có một số câu dễ hơn nhiều so với những câu tương ứng của đề thi năm 2012 như: 1a, 2, 4, 8a, 8b. Do đó, tỉ lệ thí sinh đạt 5 điểm năm nay sẽ cao hơn năm trước.

Những câu dành cho học sinh khá như 1b, 5, 7a, 7b; câu dành cho học sinh xuất sắc như câu 3, 6 thì mức độ khó tương đương năm trước. Trong khi đó, ở đề Toán khối D, nhiều giáo viên cho rằng, đề tương đối dễ, dễ hơn đề toán khối A, do đó tỷ lệ thí sinh đạt điểm trung bình sẽ khá cao.

Trong khi đó, ở môn Địa lý nhiều thí sinh cho rằng, đề mang tính thời sự và không khó, nằm trong sự phán đoán của thí sinh: vấn đề liên quan biển Đông. Thí sinh Trần Ngọc Phượng, dự thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Nội dung câu hỏi nằm toàn bộ trong chương trình phổ thông và rất vừa sức với học sinh, không đòi hỏi phải suy luận nhiều. Với đề này, thí sinh nếu ôn bài kỹ rất dễ đạt điểm 5.

Giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), cô Vũ Như Thiên Hương nói: “Đề Địa lý thi năm nay đã đề cập những vấn đề thời sự nóng hổi: vấn đề biển Đông, tài nguyên thiên nhiên – môi trường, đô thị hóa. Việc lồng ghép câu hỏi về biển Đông trong đề thi theo tôi rất là hay. Vừa hỏi trực tiếp vấn đề biển – đảo, vừa hỏi gián tiếp thông qua khai thác tài nguyên.

Buổi chiều, theo ghi nhận tại một số hội đồng thi, thí sinh cho rằng tiếng Anh, Sinh học khó hơn mọi năm, đề Lịch sử vừa sức.

Tiếng Anh: khó đạt điểm cao

Tiếng Anh (khối D) năm nay khó hơn năm trước và phân hóa được thí sinh (TS), thực sự thích hợp để tuyển chọn . Vì vậy, số TS đạt điểm 9-10 sẽ ít hơn năm trước; nhiều TS dễ tưởng đạt được điểm 7-8, nhưng thực chất sẽ khó có khả năng đó.

Phổ điểm 5-6,5 nhiều và có thể hình dung điểm thi môn tiếng Anh năm nay đứng theo hình tam giác, trong đó điểm 9-10 chính là đỉnh. Với đề thi rất nhiều từ mới này, nếu TS không học thêm hoặc tự học rất nhiều khó đạt điểm cao.

Nguyễn Viết Thắng, giảng viên ĐH Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG