Biên cương là phên giậu nhà mình

Ông Tá nhắc nhở một số người dân Campuchia về việc tuân thủ các quy định đường biên giới
Ông Tá nhắc nhở một số người dân Campuchia về việc tuân thủ các quy định đường biên giới
TP - Từ nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân ở khu vực huyện biên giới Giang Thành, Kiên Giang đã tham gia phong trào tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động.
Ông Tá nhắc nhở một số người dân Campuchia về việc tuân thủ các quy định đường biên giới
Ông Tá nhắc nhở một số người dân Campuchia về việc tuân thủ các quy định đường biên giới. Ảnh: A.M.
 

Hôm nay, như nhiều buổi sáng khác, ba cha con ông Huỳnh Hữu Tá, nông dân ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) lại ra đồng sớm. Nhưng ngoài công việc đồng áng, cha con ông còn có một nhiệm vụ mà gia đình ông đã cam kết với Ban chỉ huy đồn Biên phòng 969 Giang Thành: coi sóc, giám sát cột mốc chủ quyền mang số hiệu 302 ở vị trí gần mấy mảnh ruộng nhà. Bên kia là đất bạn Campuchia.

Đầu tiên, ông Tá đi một vòng quanh cột mốc, quan sát rất kỹ bề mặt và những vị trí xung quanh cột mốc để xem, qua một đêm, cột mốc có gì khác lạ hay không. Từng có những người, không sống sát biên giới, xem việc làm của ông Tá là “vô bổ, mất thời gian”, “ăn cơm nhà, lo việc quốc gia đại sự” nhưng ông vẫn tiếp tục làm công việc khiến ông thấy rất tự hào.

Chỉ với một tờ cam kết nhận bảo quản một vị trí cột mốc cùng 3km biên giới, trong 3 năm, ông và người nhà đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm hiện trạng đường biên, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua biên giới, nhắc nhở người dân hai bên biên giới không đi ngang về tắt, vi phạm quy chế biên giới, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin cho đồn biên phòng.

“Mai mốt mấy anh không nên đi đường này nữa. Có muốn buôn bán gì với Việt Nam thì phải quay lại, tới trạm kiểm soát của đồn biên phòng, họ sẽ hướng dẫn thủ tục, cách đi lại”, ông Tá nhắc nhở bằng tiếng Campuchia với mấy người bên kia biên giới ông bắt gặp đang băng qua đoạn đường biên do gia đình quản lý.

Cứ như thế, mỗi buổi sáng, chỉ cần dành ra ít phút, ba cha con ông Tá đã làm xong nhiệm vụ của một công dân có đất nằm sát đường biên. Lắm khi, thằng Tí, đứa con trai nhỏ của ông Tá, thấy cha mình ngày nào cũng ra ngó ngó cái cột mốc, muốn biết đó là thứ gì.

Ông Tá giải thích mộc mạc: “Cột mốc quan trọng cả đối với Việt Nam và Campuchia. Đó là chủ quyền chung, ai cũng phải bảo vệ. Nếu con gặp ai đi sai, con cũng phải nhắc họ đi qua trạm biên phòng cửa khẩu. Mình phải giữ gìn lâu dài, tới đời con đời cháu, đời chắt, mãi mãi về sau”.

Giống như gia đình ông Tá, ông Nguyễn Văn Mới, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa nhận tự quản hơn 4km đường biên và vị trí cột mốc 295. Năm nay đã hơn 70 tuổi, bác Mới hiểu rằng, cây cột mốc sừng sững mọc ngay sát chân ruộng nhà mình là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, đàm phán, công sức của hai nhà nước Việt Nam-Campuchia.

Và khi cột mốc đã được dựng lên, không kẻ xấu nào có thể thay đổi hiện trạng, di dời khi cả quân và dân cư biên giới luôn ngày đêm canh giữ như giữ phên giậu nhà mình. Việc hằng ngày của ông Mới là chăm sóc cột mốc, đảm bảo không ai có thể vẽ, viết bậy, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của hai nhà nước.

Những người như ông Tá, ông Mới đã giúp lực lượng biên phòng có thêm tai mắt, tình hình an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền ngày càng tốt hơn. Dân tham gia tự quản đường biên, bộ đội có thêm thời gian tập trung công tác huấn luyện, tăng gia sản xuất, dân vận. Quân dân Cá nước vùng biên, ấm áp trên từng cột mốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG