Ngày 29/3, ghi nhận tại hàng loạt chung cư ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm… hầu như đâu đâu cũng có những căn hộ gắn biển công ty, nằm xen lẫn giữa các hộ gia đình. Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), hầu như các toà nhà từ N4A, N4D, N3A… đều có văn phòng đang hoạt động. Ngay ở nơi gửi xe toà nhà N4D, hàng loạt biển quảng cáo được treo ở đây giới thiệu về doanh nghiệp. Từ văn phòng công ty đến các cửa hàng bán sữa tươi, vé máy bay, hoa quả tươi… đều gói gọn trong toà nhà. Các doanh nghiệp ở đây nhiều đến mức có hẳn một đơn vị tại toà nhà mở cửa hàng nấu bữa trưa để phục vụ nhân viên của toà nhà. Tương tự, ở các toà nhà N4A, N4B… các doanh nghiệp đa phần có trụ sở ở tầng 1, 2, 3. Một số đã gỡ biển tên, nhưng bên trong vẫn hoạt động bình thường.
Tại tòa nhà Thành Công (57 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), ở đây có rất nhiều căn hộ được gắn biển các Cty, có cả những căn hộ đang dán biển cho thuê. Ông Tuyền (cư dân tại toà nhà) cho biết, ông đã nghe nói về chính quyền cấm các công ty sử dụng căn hộ làm văn phòng. Tuy nhiên, hiện trạng đến nay vẫn chưa có biến chuyển gì. Theo ông này, cứ mỗi giờ cao điểm, thang máy lại kẹt cứng vì hàng trăm nhân viên văn phòng đi làm. “Chưa kể, ban ngày có rất nhiều khách ra vào giao dịch, nếu có kẻ xấu trà trộn vào, lẻn lên các tầng với ý đồ xấu thì biết làm sao”, ông Tuyền lo lắng.
“Vẫn chờ hướng dẫn xử lý”
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm cho biết, tòa tháp Thành Công có nhiều văn phòng tại đây dù cho thuê nhưng vẫn tự nhận là Cty gia đình hoặc cho con cháu sử dụng. Điều này gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý. Bên cạnh đó, phường cũng đang chờ quận Ba Đình chỉ đạo hướng dẫn phương án xử lý những vi phạm nêu trên. Một lãnh đạo phường trên địa bàn quận Ba Đình cho biết thêm, việc chậm xử lý ở đây còn có lý do vì thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng. Hiện nay, việc thành lập công ty rất dễ, chủ doanh nghiệp có thể treo tên Cty và mã số thuế lên biển nhà, chính quyền địa phương không thể cấm đoán.
Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang trong quá trình tổng hợp kết quả rà soát từ các quận gửi về. Nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Vừa qua, UBND thành phố đã đưa ra quy chế quản lý doanh nghiệp sau đăng ký. Về việc “lách luật” như đã nêu, đại diện Sở KH&ĐT khẳng định: Hoạt động kinh doanh không đăng ký là 1 lỗi, kinh doanh ở khu vực cấm là lỗi thứ 2. Chính quyền địa phương hoàn toàn có thể xử phạt!