Thế nhưng, nông dân ngày nay với máy móc hỗ trợ, nhiều nơi có cánh đồng mẫu lớn với cánh tay rô bốt tưới hàng chục mét/lần; phun thuốc sâu bằng máy bay; bắt giống lúa tạo ra sản phẩm như mong muốn… Hiệu quả, xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 40 tỷ USD (và định hướng 41 tỷ USD năm 2020). Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có trên kệ siêu thị ở những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Bên cạnh những nông dân tỷ phú, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu trước đây làm nông nghiệp coi như nghèo, ngày nay nhiều “đại gia” giàu các lĩnh vực khác mới tiếp cận để trở thành nông dân công nghệ cao, như Vingroup, Thaco, Masan, FLC…Ngay như giữa tâm dịch vừa rồi, nhiều “ông lớn” trúng lớn vụ thịt lợn.
Tuy vậy, đa số người nông dân vẫn loay hoay với cơ chế, phương pháp. Năm nào cũng xuất hiện tình trạng “giải cứu nông sản”. Nhiều nông dân vẫn xuất khẩu nông sản bằng con đường tiểu ngạch đầy rủi ro (nếu đường biên đóng cửa, coi như đổ bỏ). Tư duy hộ nông dân không thể bằng doanh nghiệp làm nông nghiệp.
Chưa kể, người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với hạn hán, nước mặn xâm thực bất thường do nước thượng nguồn bị chặn. Vùng Tây Nguyên và nhiều nơi khác vẫn trồng cây theo phong trào (người ta phong nhiều ông vua như “vua bơ” và đồng loạt trồng bơ để rồi bán tháo). Điệp khúc được mùa mất giá, tuy đã giảm so với trước đây, nhưng vẫn phổ biến.
Ở Tây Nguyên, có 2 triệu ha đất đỏ bazan tươi tốt (chiếm 60% cả nước), nhưng để nói có sản phẩm chất lượng cao, phong phú đạt tiêu chuẩn quốc tế, không có nhiều. Nếu so sánh với vùng sa mạc (chiếm 70%), cằn cỗi ở Israel nhưng vẫn tạo nên kỳ tích trong nông nghiệp; nông dân và doanh nghiệp Việt phải nỗ lực rất nhiều. Không nên có những “ông vua” làm giàu bằng cách dẫn dụ trồng, nuôi theo phong trào mà cần thiết tạo dựng cả lĩnh vực nông nghiệp thành “vua” trong khu vực và trên thế giới. Lợi ích phải được san đều cho những người nông dân, chứ không phải 1 “ông vua” nào đó cát cứ.
Cuộc đối thoại giữa nông dân với Thủ tướng phải biến áp lực lên các bộ ngành, chính quyền địa phương thành động lực. Những vướng mắc, nút thắt cần được những người có trách nhiệm cam kết tháo gỡ cho nông dân. Tránh việc như đã từng diễn ra trước đây: 1 mâm cơm, 5 bộ quản lý tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội. Bộ nọ đổ lỗi cho bộ kia, chỉ có người dân bị thiệt trước sự chồng chéo quản lý.
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, những giải pháp, tháo gỡ phục vụ nông dân có ý nghĩa vô cùng to lớn.