Bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
TPO - Trả lời Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: “Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo, lỗi ở đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu gạo...”

Liên quan đến kết quả kiểm tra, xử lý việc mua gạo dự trữ quốc gia 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị thuộc Bộ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) và các Vụ chức năng của tổng cục trong việc thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm trên.

Ngày 8/5, trả lời Tiền Phong về trách nhiệm của người đứng đầu, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức cho hay: “Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo, lỗi ở đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu, tổng cục chỉ ra văn bản hướng dẫn đấu thầu, cũng như quản lý tài sản. Việc các cục cho các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho trái với quy định của Luật Dự trữ Nhà nước”.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện 7 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực sai phạm khi để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng với qui định của Luật Dự trữ Nhà nước.

Bình luận về việc từ trước tới nay Tổng cục DTNN có phát hiện ra trường hợp tương tự không, ông Đức cho biết cơ bản không có.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính, năm 2020, Tổng cục DTNN được giao mua 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3/2020 tổng cộng có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo DTQG đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn.

Tuy nhiên, hết thời hạn phải ký hợp đồng đã có 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn; chỉ có 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn.

Theo ông Đức, việc đấu thầu gạo còn thiếu dự kiến sẽ mở thầu lại vào 12/5 tới đây.

Dư luận băn khoăn các nhà thầu từ chối thương thảo để ký hợp đồng sau khi đã trúng thầu cung cấp gạo vừa qua liệu có được tham gia đấu thầu gạo đợt tới không?

Ông Đức cho hay, trường hợp nhà thầu thương thảo nhưng không ký hợp đồng thì bị thu bảo lãnh dự thầu và vẫn được tham gia đấu thầu kỳ sau. Còn trường hợp ký hợp đồng mà không thực hiện hợp đồng thì bị phạt tiền bảo lãnh hợp đồng và không được tham gia đấu thầu từ 3-5 năm.

Trước đó, theo Tổng cục DTNN, các doanh nghiệp gửi văn bản từ chối ký hợp đồng với lý do diễn biến giá trên thị trường tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được. 

Bình luận về việc tại sao Tổng cục DTNN không tổ chức đấu thầu mua gạo ngay từ đầu năm khi có kế hoạch của Thủ tướng và Bộ Tài chính, ông Đức cho biết, kế hoạch của Thủ tướng đầu năm mới có, và việc đấu thầu phụ thuộc vào vụ thu hoạch lúa gạo, thường vào tháng 2-3, chủ yếu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

MỚI - NÓNG