Tại buổi tiếp xúc, cử tri Tôn Nữ Kiều Trang (xã Tân Thới Đông) cho biết đang kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Vụ lợn bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh buôn bán thịt lợn tại các chợ.
“Tôi và nhiều tiểu thương phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm nơi giết mổ sau khi lò mổ Xuyên Á bị tạm ngưng hoạt động. Chúng tôi xuống Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí Bình Phước, Tây Ninh tìm lò giết mổ nhưng nhiều nơi không chịu tiếp nhận. Việc đưa lợn về các tỉnh giết mổ rồi chở ngược về TPHCM tiêu thụ đẩy chi phí tăng gấp đôi so với ngày trước, trong khi giá thịt lợn rớt mạnh vì bị người tiêu dùng tẩy chay”, bà Trang nói.
Một số cử tri đề nghị lãnh đạo TPHCM đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng với công suất 2.000 con/ngày vào hoạt động.
Giải đáp thắc mắc của các cử tri, ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM nói đã tiến hành kiểm điểm các cán bộ thú y liên quan sau sự cố phát hiện lợn trong lò giết mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần. Cùng với việc xử lý trách nhiệm cán bộ, cơ sở giết mổ Xuyên Á cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 21 ngày để chấn chỉnh.
“Mỗi ngày TPHCM giết mổ 8.000 con lợn. Sau khi cơ sở Xuyên Á với công suất giết mổ 5.000 con/ngày bị đình chỉ, việc giết mổ lợn bị ảnh hưởng. TPHCM phải tăng công suất giết mổ thêm 1.200 con và chuyển về các cơ sở giết mổ ở các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương...”, ông Xô nói.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cam kết sau khi lò mổ Xuyên Á trở lại hoạt động, việc giết mổ sẽ được giám sát chặt chẽ. Hiện nay, toàn bộ hồ sơ của cơ sở đang được cơ quan công an làm rõ để xử lý nghiêm những người liên quan.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải xử lý sai phạm vụ tiêm thuốc an thần trước ngày 20/10 tới.
Sáng cùng ngày, trước khi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tới (ấp Phú Lợi). Trình bày với Bí thư Thành ủy, bà Bùi Thị Phướng (vợ ông Tới) cho biết nhiều nông dân bỏ trống chuồng trại vì giá thịt lợn liên tục giảm và giá lợn hơi hiện chỉ dao động ở mức từ 28.000 đến 30.0000 đồng/kg.
“Xưa đi bán rau mà sống được, dựng được nhà, giờ nuôi heo càng ngày làm càng tệ. Chúng tôi tham gia chương trình chăn nuôi lợi theo tiêu chuẩn VietGap nhưng bán không được giá. Mượn tiền ngân hàng mà giá heo rớt thảm hại như hiện nay, khổ lắm. Gia đình tôi vay 2 tỷ đồng, bây giờ không biết lấy tiền đâu để trả. Chồng tôi vào hội nông dân, được khen nông dân sản xuất giỏi nhưng bây giờ đang đối mặt với nguy cơ phá sản, đổ nợ”, bà Phướng trình bày,
Ghi nhận ý kiến của bà Phướng, ông Nguyễn Thiện Nhân hứa trước Tết Nguyên đán sẽ quay lại để bàn về vấn đề tổ chức nông nghiệp, giúp người nông dân sản xuất.
“Người nông dân nuôi heo theo phong trào, thấy nhiều người nuôi nên nuôi theo. Dân số nước ta không tăng nhiều, heo nuôi đến mức nào đó thì thị trường dư thừa, dẫn đến heo mất giá. Người dân nuôi heo từng người riêng lẻ, nếu vào hợp tác xã thì được hỗ trợ đi vay dễ hơn. Từng hộ nuôi nên muốn vay phải lấy nhà cửa thế chấp. Về lâu dài phải có hợp tác xã bàn bạc với nhau tính sản xuất như thế nào là vừa. HTX tính chỗ bán heo chứ từng hộ chăn nuôi là bị thương lái ép giá”, ông Nhân nói.
Cử tri Phan Văn Tuấn nói rất đồng tình với chủ trương chỉnh đốn Đảng với việc xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao nhưng ở địa phương vấn đề này thực hiện chưa nghiêm. Chẳng hạn dự án Sài Gòn Safari đã đẩy người dân vào cảnh không có việc làm, đất đai bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trong khi cán bộ có liên quan thì được lên chức từ phó chủ tịch lên phó bí thư, bí thư và bây giờ là giám đốc sở.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói chính quyền phải xử lý nhanh chóng những điều không hài lòng của người dân, càng để kéo dài, người dân càng mất niềm tin vào chính quyền.
Về dự án Sài Gòn Safari, Bí thư Thành ủy giao UBND TPHCM theo sát diễn biến kết luận của Thanh tra Chính phủ và thực hiện nghiêm kết luận thanh tra và thông báo kết quả cho người dân.