Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát

Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát
TPO - Ngày 19/7, trong khi trực tiếp thị sát và làm việc tại Nhà máy điện rác Gò Cát, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp quy mô lớn, không chỉ xử lý rác thải cho TPHCM mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận.

Nhà máy điện rác Gò Cát là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM phối hợp đầu tư, xây dựng.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết bãi rác Gò Cát đã đóng cửa từ năm 2007 với tổng lượng rác đang chôn lấp 5,3 triệu tấn.

Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 1
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 2
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 3
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 4
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 5

Nhà máy điện rác Gò Cát được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 2001, đến năm 2005 thì hòa lưới điện Quốc gia. Theo đó, nhà máy thực hiện thu khí mê tan từ bãi rác Gò Cát (đã đóng cửa) để phát điện.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải thành điện năng, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ nhà máy điện rác hoà vào lưới điện quốc gia. Giá bán điện của nhà máy này hiện đang là 7,28cent/kw.

Đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy đề xuất với UBND TPHCM thực hiện Đề án thực nghiệm “ Xây dựng nhà máy Điện - Rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu Xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V.

Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 6
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 7
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 8

Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát, sử dụng hoàn toàn công nghệ của Hà Lan, đề án thực nghiệm nhà máy điện rác của hai công ty sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.

Ngay khi đề án thực nghiệm trên được UBND TPHCM phê duyệt, từ tháng 02.2017, Đề án thực nghiệm Điện rác Gò Cát, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) bắt đầu được triển khai thực hiện, vận chuyển và lắp đặt thiết bị.

Theo ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực – Máy, đến thời điểm hiện nay, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, đã phát và hoà vào lưới điện quốc gia hơn 7MW.

Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 9
Bí thư TPHCM thị sát nhà máy điện rác Gò Cát ảnh 10

Ông Long cho biết thêm: Công nghệ điện rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy. Dây chuyền thiết bị theo công nghệ điện rác gồm nhiều phần tích hợp thành một dây chuyền hoàn thiện bao gồm ba công đoạn:

Công đoạn xử lý tiền chế: Rác công nghiệp (hỗn hợp rác) khi tập kết về sẽ được đưa vào hệ thống máy cắt, cắt đồng điều kích thước và loại bỏ kim loại có lẫn trong rác. Rác sau cắt được đưa vào hệ thống máy ép định hình thành viên nhiên liệu RDF.

Công đoạn khí hóa: quá trình chuyển hóa nhiên liệu từ dạng rắn sang dạng khí, sản phẩm của công đoạn này là khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch).

Nguồn năng lượng xanh này được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện ở công đoạn cuối cùng của công nghệ điện rác - công đoạn phát điện và hòa lưới điện quốc gia.

“Với công nghệ điện rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước, đây là yếu tố phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt đối với một số công nghệ khác hiện nay”, ông Long nói.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM phải đảm bảo bài toán phát triển bền vững về kinh tế song song với môi trường. Trong tháng 8 tới, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phải đo đạt chất lượng môi trường không khí trong quá trình vận hành nhà máy làm cơ sở để hỗ trợ mở rộng quy mô đầu tư của nhà máy

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chuẩn hoá tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại rác thải đặc thù, ngoài xử lý rác thải công nghiệp cần mở rộng cho những loại rác khác để khả năng xử lý đa dạng hơn. Đây là cơ sở và là tiền đề để trở thành đơn vị xử lý rác thải hàng đầu Việt Nam.

“Hiện trung bình mỗi ngày, môi trường thành phố đang tiếp nhận 1.500 tấn rác thải công nghiệp, công ty nên cân nhắc về việc đầu tư nhà máy xử lý rác thải công nghiệp quy mô lớn để không chỉ xử lý rác thải cho Thành phố mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận. Ngoài ra, thành phố đang có 300 - 600 tấn rác nguy hại, nên có nghiên cứu thêm về việc xử lý rác thải nguy hại. Riêng rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh 8.300 tấn nên nhất thiết phải ứng dụng công nghệ điện rác trên để xử lý rác thải sinh hoạt”, ông Nhân lưu ý.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.