Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, Hậu Giang xác định năm 2023 là năm tăng tốc phát triển, tạo tiền đề cho năm 2024 về đích sớm các chỉ tiêu kinh tế xã hội trọng yếu. Kết quả, năm 2023 tỉnh đạt được nhiều điểm nhấn ấn tượng.
Cụ thể, 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,27%, vươn lên đứng thứ 2 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,09%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng 6,37%.
Thu nhập bình quân đầu người tăng 21,34% (thuộc nhóm tỉnh thành có tốc độ tăng cao nhất trong năm 2023). Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã tổ chức phát động, xây dựng và bàn giao 1.400 căn nhà Đại đoàn kết cho người khó khăn về nhà ở, góp phần xóa trắng nhà tre lá, tạm bợ trên địa tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn. Tăng trưởng kinh tế cao trong 3 năm, song quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người, quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trong vùng và cả nước; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông và công nghiệp liên kết vùng còn hạn chế…
Chất lượng tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra khá phổ biến là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên chưa thực chất…
Trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị triển khai quyết liệt 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đề án của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường nhận thức, khắc phục tình trạng hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ ba, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dựa trên 4 trụ cột "công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch", theo chiến lược “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”...
"Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát kết hợp giữa thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để khiếm khuyết thành khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, sai phạm của cá nhân thành sai phạm của tập thể..." - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo.