Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù?

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định
TPO - Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tạo nguồn lực thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

PV: Thưa ông, Quốc hội đang thảo luận, xem xét, quyết định các dự thảo Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù của 4 tỉnh, thành phố; trong đó, có 6 cơ chế chính sách đặc thù của TT- Huế. Cùng với các địa phương trong tỉnh TT-Huế, khi được thông qua, thành phố Huế sẽ đón nhận và thực hiện cơ chế đặc thù này như thế nào?

Ông Phan Thiên Định: Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khẳng định quan điểm: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Đây là sự kết tinh của ý Đảng lòng dân, là tiền đề cho việc hiện thực hóa ước mơ và khát vọng phát triển bền vững, đặc thù không chỉ của người dân Thừa Thiên Huế nói chung, thành phố Huế nói riêng mà còn của cả những người yêu Huế trong nước và trên thế giới.

Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 1
Thành phố Huế đóng vai trò hạt nhân trung tâm trong mô hình đô thị di sản đặc thù Thừa Thiên Huế. Ảnh: Văn Đình Huy

Việc Quốc hội xem xét để quyết định thông qua nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh là niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh. Cả 6 nhóm chính sách này đều tập trung vào việc tạo thêm cho TT- Huế có điều kiện phát huy tính tự lực, tự cường để tạo ra nguồn lực nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54. Việc thông qua các nhóm cơ chế, chính sách này khẳng định sự quyết tâm của Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho TT-Huế phát triển; đồng thời, nó cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc nỗ lực tối đa để vượt qua thử thách, khó khăn, chớp lấy cơ hội để đưa toàn tỉnh phát triển đột phá lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và Trung ương.

6 cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế

Cho phép tỉnh để lại nguồn thu từ di tích để phục vụ công tác trùng tu di tích; thành lập Quỹ bảo tồn di sản huy động từ nguồn xã hội phục vụ công tác trùng tu và bảo tồn di sản; nâng mức trần vay lên 40% để giúp cho tỉnh có nguồn lực trong xây dựng và phát triển đô thị; nâng định mức chi thường xuyên lên 45% so với các địa phương khác để tạo nguồn lực; ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cho phép tỉnh để lại 70% thuế xuất nhập khẩu vượt chỉ tiêu giao.

Trong tinh thần chung đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố Huế nhận thức một cách thấu đáo vai trò, sứ mệnh quan trọng và nặng nề của mình trong việc cùng toàn tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Chúng tôi cho rằng việc thông qua cơ chế, chính sách đặc thù là một ngoại lực quan trọng, phần còn lại là sự đổi mới tư duy, nỗ lực phát huy nội lực của hệ thống chính trị thành phố để thực hiện thành công các nhiệm vụ quan trọng này. Có thể nói, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Huế đang sẵn sàng đón nhận và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù với tâm thế như vậy.

PV: Huế và cả tỉnh đang nỗ lực phát triển trở thành Thành phố di sản văn hóa của Việt Nam. Vậy, Huế phải làm thế nào để xứng đáng là Thành phố di sản?

Ông Phan Thiên Định: Hiện nay, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng các tiêu chí để nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản. Qua thực tế, nhiều ý kiến tập trung vào các nhóm tiêu chí: vai trò lịch sử và yếu tố di sản trong chức năng đô thị; số lượng, quy mô di sản, di tích; yếu tố truyền thống trong đô thị; vai trò của di sản trong phát triển kinh tế đô thị; công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 2

Di sản Cố đô Huế

Huế có Quần thể di tích Cố đô gắn liền với sông Hương, từ thượng nguồn đến khu vực trung tâm thành phố, kéo dài đến cửa biển Thuận An và các làng mạc, kiến trúc nhà rường, nhà vườn truyền thống bao quanh với sự kết hợp hài hòa, nên thơ giữa các yếu tố con người, lối sống, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương, núi Ngự cùng rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: Ca Huế, lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, ẩm thực, trang phục… Có thể nói thành phố Huế đóng vai trò hạt nhân trung tâm trong mô hình đô thị di sản đặc thù Thừa Thiên Huế.

Để Huế thật sự là thành phố di sản, bên cạnh những giá trị do cha ông để lại đang còn hiện hữu, có rất nhiều việc cần làm, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị từ tỉnh đến thành phố Huế. Theo tôi, cần lưu ý tập trung một số công việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, mở rộng không gian phát triển đô thị Huế và thực hiện đầu tư hạ tầng để giãn dân ra ngoài các vùng di tích. Tạo không gian hợp lý để bảo vệ các vùng di tích hiện có, phục hồi lại các khu vực di tích quan trọng, khai thác phát triển kinh doanh dịch vụ một cách hợp lý đối với các khu vực di tích khác. Quá trình này cũng cần phải xem xét hài hòa giữa phát triển đô thị mới với bảo vệ các làng mạc, khu dân cư, cảnh quan thiên nhiên, yếu tố phong thủy… là những thành phần tạo nên đặc trưng đô thị Huế.

Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 3

Cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế sẽ là cơ hội “vàng” để địa phương bứt phá, phát triển (trong ảnh là Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh triều Nguyễn)

Thứ hai, đầu tư nguồn lực ngân sách, chú trọng đến việc triển khai các chương trình, hoạt động có tính chất chiều sâu nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Cần xác định “con người Huế”, với những nét đặc trưng về phong cách, lối sống, sự trân trọng những giá trị đạo đức, văn hóa… chính là “phần hồn” của đô thị di sản Huế để có những đầu tư tương xứng về chính sách và vật chất.

Tôi rất mừng khi biết kỳ họp Quốc hội bàn và quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho TT-Huế đầu tư phát triển theo định hướng mà Bộ Chính trị đã ban hành tại Nghị quyết số 54. Với cơ chế, chính sách đặc thù, TT-Huế sẽ được nhân dân cả nước trao cho “chiếc cần câu” để đầu tư, phát triển. Từ cơ chế, chính sách đặc thù, TT-Huế sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án ưu tiên, nhất là tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời, góp phần khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc, ưu thế cảnh quan thiên nhiên gắn với du lịch từ lâu được xác định là thế mạnh, nhưng trên thực tế ngành kinh tế này vẫn còn dậm chân tại chỗ. (Cử tri Phạm Hữu Thu, thành phố Huế)

Nhiệm vụ này cũng phải gắn liền với việc mở rộng sự quan tâm đến phát triển các lĩnh vực trong cấu thành kinh tế đô thị Huế như du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, nông nghiệp… để tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện cho người dân Huế có thể sống, cống hiến trên quê hương của mình mà không phải đi xa. Điều này diễn ra song song với việc thu hút các nguồn nhân lực có xu hướng tương đồng với văn hóa Huế để tạo ra những thế hệ con người Huế mới nhưng vẫn duy trì được những nét đặc trưng văn hóa Huế; đồng thời, tạo thêm nguồn lực khác cho phát triển đô thị di sản.

Thứ ba, có chủ trương, chính sách đầu tư từ vốn ngân sách, đổi mới tư duy, cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa, khai thác một cách có hiệu quả các yếu tố di sản đang có vào việc tạo ra nguồn lực kinh tế mới nhằm phát triển kinh tế xã hội, tăng thu ngân sách để tái đầu tư phục hồi di tích, đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 4

Thành phố Huế có tổng hòa các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, cảnh quan. Ảnh FB Văn Thể Huế

Thứ tư, thành phố Huế có tổng hòa các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, cảnh quan, y tế, giáo dục, công nghệ để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; từ du lịch sẽ tác động ngược trở lại thúc đẩy các lĩnh vực đó phát triển. Thành phố không xem du lịch như một ngành kinh tế đơn thuần, hơn thế, nó chính là trục động lực để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.

Do đó, thành phố Huế sẽ tập trung vào việc tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để du lịch phát triển thông qua việc đầu tư ngân sách cho phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, chợ, các khu vực kinh doanh dịch vụ, đưa ra những cơ chế quản lý hợp lý để người dân có thể phát triển kinh doanh, giải quyết một cách tốt nhất mối quan hệ giữa khả năng cung cấp dịch vụ rất đa dạng của người dân, doanh nghiệp với nhu cầu phong phú của khách du lịch.

Các cơ chế đặc thù được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh, thành phố triển khai được các nhiệm vụ trọng tâm đã nêu.

PV: Một trong 6 cơ chế đặc thù của Thừa Thiên Huế là việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản. Để huy động, sử dụng nguồn Quỹ bảo tồn di sản phát huy tốt hiệu quả, Huế cần làm gì, cần lộ trình như thế nào? Nguồn Quỹ này của Huế được huy động, thực hiện bằng những nguồn lực nào?

Ông Phan Thiên Định: Di sản Huế là di sản của Việt Nam và thế giới. Việc bảo tồn di sản Huế qua nhiều năm qua, ngoài nguồn lực từ ngân sách còn có rất nhiều nguồn lực khác huy động được từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc chính thức hóa và nâng tầm công tác này thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia sẽ giúp cho việc kêu gọi nguồn lực đóng góp trong và ngoài nước được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản Huế.

Hiện nay, tỉnh đang cùng với các cơ quan Trung ương chuẩn bị để gấp rút tiến hành các thủ tục ban hành quy định về hình thành và hoạt động Quỹ song song với việc lập ra danh mục các công trình, hạng mục cần được bảo tồn để phê duyệt, công khai kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa.

Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 5
Bí thư Thành ủy Huế nói gì về chính sách đặc thù? ảnh 6
Quỹ bảo tồn di sản Huế trở thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia giúp cho việc kêu gọi các nguồn lực được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản

Với giá trị của di sản Huế và cách làm công khai, minh bạch, khoa học, tôi tin Quỹ này sẽ thu hút được rất nhiều nguồn lực đóng góp từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG