Tại nhà riêng của GS - Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (chiều 22/2), ông Đinh La Thăng và Giáo sư đã có cuộc trò chuyện thâm tình với nhau. Buổi gặp gỡ giữa hai chính khách, được chuyển sang nội dung công vụ khi ông Đinh La Thăng, thể hiện thái độ cầu thị, mở lời xin ý kiến của GS Đông A về việc giải quyết các vấn đề “nóng” trong y tế.
Bí Thư Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Làm thế nào để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện thưa Giáo sư?”
GS Trần Đông A: Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị thì nguồn lực con người trong chẩn đoán và điều trị là rất quan trọng. Trang thiết bị y tế hiện nay tại các bệnh viện đã được mua sắm tương đối đầy đủ và hiện đại.
Tuy nhiên, đi vào y tế cá thể thì cần phải có những bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu, bởi máy móc chỉ là phương tiện hỗ trợ còn con người mới quyết định thành công trong điều trị. Có thiết bị hiện đại nhưng bác sĩ phải là người biết sử dụng, biết khi nào và cần máy gì để phục vụ bệnh nhân.
Bên cạnh chuyên khoa sâu để giải quyết những ca bệnh khó là việc xây dựng vững chắc mô hình y học gia đình. Tại Mỹ hiện có tới 35% bác sĩ của họ là bác sĩ gia đình; Canada 50% số lượng bác sĩ là bác sĩ gia đình. Người bệnh của họ rất ít khi phải đến bệnh viện nên không có chuyện quá tải như ở nước ta.
Từ mô hình của các nước tiên tiến có thể thấy, bác sĩ gia đình là giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề quá tải. Người dân không có gì thích hơn là được theo dõi sức khỏe từ lúc mới chào đời cho đến khi qua đời. Bác sĩ gia đình phải là người thuộc làu tình trạng sức khỏe, bệnh lý ở từng bệnh nhân, người nào bị bệnh gì, cần uống thuốc gì.
TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc thí điểm mô hình bác sĩ gia đình nhưng còn chậm. Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy được hiệu quả, ngoài việc thành lập bộ môn y học gia đình tại hai trường đại học trên địa bàn thành phố là Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đại học Y Dược thì những người quản lý y tế tại địa phương phải biết y tế gia đình là y tế chuyên sâu; bác sĩ phải nắm được ca bệnh nào nên giữ lại theo dõi, ca bệnh nào phải được chuyển đến đúng tuyến để điều trị kịp thời.
GS Trần Đông A nhấn mạnh: Thành phố có dư điều kiện để đưa mô hình bác sĩ gia đình đi đến thành công nên cần phải xúc tiến hơn nữa. Bác sĩ gia đình vừa giải quyết được vấn đề nhân văn trong y tế khi người thầy thuốc là người gần dân nhất, nắm cụ thể bệnh lý từng người và điều trị hợp lý. Mặt khác, lòng tin của người dân đối với bác sĩ gia đình là khâu then chốt để bệnh nhân gửi gắm sinh mạng của họ, gắn bó với bác sĩ ngay tại cơ sở, từ đó hạn chế tối đa tình trạng nhập viện, chuyển viện vô tội vạ lên tuyến trên.
Hiện nay, theo thông tư mới của Bộ Y tế, bác sĩ phải học chuyên khoa I về bác sĩ gia đình thì mới được làm bác sĩ gia đình, việc đào tạo chuyên khoa I mất 2 năm. Cần phải đạt được 1/3 số lượng bác sĩ của cả nước là bác sĩ gia đình thì mô hình này mới có thể đi đến thành công và phát triển bền vững
Ông Đinh La Thăng: “Xin Giáo sư cho ý kiến, làm thế nào để khắc phục tình trạng kháng thuốc?”
GS Trần Đông A: Tại một Hội nghị quốc tế, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, Việt Nam là một trong những nước sử dụng kháng sinh bừa bãi nhất thế giới, tôi chỉ biết im lặng gật đầu bởi thực tế đúng là như vậy. Hiện nay, cả thế giới đã sợ cách sử dụng kháng sinh tại Việt Nam.
Trong khi ngành y tế buông lỏng quản lý các mặt hàng thuốc buộc phải kê toa thì việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng đẩy vấn nạn kháng kháng sinh ở người khi ăn phải thịt, cá tồn dư kháng sinh lên cao.
Để khắc phục tình trạng kháng thuốc, ngành y tế phải sửa đổi Luật Dược. Theo đó, các nhà thuốc bắt buộc phải tuân thủ quy định. Có những loại thuốc Sở Y tế hoặc Bộ Y tế phải in bản hướng dẫn, trong đó ghi rõ thuốc nào bảo hiểm y tế chi trả 100% thuốc nào bắt buộc phải có toa của bác sĩ, thuốc nào không cần thiết phải kê toa. Để chặn đứng tình trạng bán thuốc bừa bãi tại các nhà thuốc thì nhiệm vụ giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về y tế phải được đặt lên hàng đầu.
Quản lý triệt để tình trạng bán kháng sinh bừa bãi không thể làm được ngay, nhưng nếu không làm thì không bao giờ tới và đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ không còn kháng sinh để điều trị. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, sự ra đời của những loại vi khuẩn kháng thuốc nhanh gấp 1.000 lần việc phát hiện ra một kháng sinh mới.
Sau những góp ý của GS Đông A, ông Đinh La Thăng đã bày tỏ lời cảm ơn và xin được lĩnh hội. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, tân Bí thư TPHCM đã chúc GS Đông A luôn mạnh khỏe để tiếp tục đào tạo ra những thầy thuốc có chất lượng cao cho đất nước, giúp người dân có cuộc sống, sức khỏe tốt hơn, đưa thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.