Chiều 12/2, ông Nguyễn Ngọc Việt cho VietNamNet biết, các thông tin về việc chùa Hương mở cửa sớm hơn dự kiến là ngày 16/2 cần được hiểu thấu đáo. Đây là bước đi chủ động của huyện Mỹ Đức nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác để đảm bảo vận hành đón khách tại chùa Hương diễn ra bài bản, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo ông Việt, chùa Hương là địa điểm đặc biệt, được dư luận quan tâm. Các thông tin cho rằng chùa Hương "bất ngờ" mở cửa là chưa chính xác, hiện tại đây mới là giai đoạn chuẩn bị.
"Từ ngày 11 đến 15/2, chúng tôi sẽ chạy thử các phương án để khắc phục các bất cập. Chùa Hương chính thức đón khách từ 16/2”, ông Việt khẳng định.
Điểm trực cấp cứu tại khu vực Bến Trò. Ảnh: Đoàn Bổng |
Theo Bí thư huyện ủy Mỹ Đức, quá trình "chạy thử" là thời gian quan trọng để huyện Mỹ Đức, Ban quản lý di tích chùa Hương tập dượt các phương án mở cửa đón khách trở lại. Việc "chạy thử" này, ông Việt cho biết đã có trong tờ trình gửi thành phố Hà Nội và được lãnh đạo thành phố phê duyệt.
"Khi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi chỉ công bố nội dung chính về thời gian mở cửa chính thức. Còn việc lộ trình mở cửa đón du khách tại chùa Hương đã được chúng tôi nêu rất rõ trong tờ trình gửi thành phố", ông Việt nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, việc quy định phòng chống dịch khi đón du khách, việc đi thuyền, các gian hàng tại chùa Hương vận hành như thế nào phải có quá trình chuẩn bị để khi mở đón chính thức không bị động, bất ngờ trước các tình huống. Khi chạy thử, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã phát hiện những nội dung cần khắc phục để khi đón khách chính thức được an toàn nhất.
Cụ thể, việc quản lý khách đi trên thuyền, việc lưu trú và sử dụng các dịch vụ tại chùa Hương sau quá trình thử nghiệm đã bộc lộ những điểm mà huyện cần khắc phục để đảm bảo an toàn khi vận hành chính thức.
Đáng chú ý, ông Việt cho biết, công tác phòng chống dịch được chính quyền đặc biệt quan tâm và dồn nhiều nhân lực, vật lực và kinh phí để vận hành. Cụ thể, huyện Mỹ Đức lập 8 chốt kiểm soát dịch ở các lối ra vào khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Ngoài ra, 2 trạm y tế lưu động đã được thiết lập ở Trạm y tế xã Hương Sơn và khu Bến Chờ (điểm soát vé tham quan).
Nhiệm vụ của các chốt kiểm soát này là khi phát hiện du khách có biểu hiện ho, sốt, các triệu chứng nghi mắc Covid-19... du khách sẽ được lực lượng y tế kịp thời đưa đến điểm cách ly và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Phản ứng nhanh, chủ động với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 giúp chủ động trong dập dịch và không để dịch lây lan diện rộng.
Nhiều du khách đến chùa Hương trong giai đoạn mở cửa thử nghiệm. Ảnh: Đoàn Bổng |
"Suốt một thời gian dài chùa Hương phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh, đến khi thành phố có quyết định cho phép mở cửa trở lại, tâm lý bà con nhân dân, du khách thập phương rất phấn khởi", ông Việt nói và cho biết, việc đóng cửa tạm dừng hoạt động không áp lực bằng việc "mở cửa", nhưng vì người dân, các cấp chính quyền phải nỗ lực thực hiện từng bước để đón du khách trở lại.
Trước đó, ngày 8/2, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản hỏa tốc về việc tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương).
Theo đó, UBND thành phố thống nhất với đề nghị của Huyện ủy Mỹ Đức tại tờ trình ngày 8/2 về việc đề xuất mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn huyện Mỹ Đức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo theo đúng hướng dẫn của trung ương và thành phố.
Thông tin từ Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết ngày đầu tiên mở cửa thí điểm (11/2) đón khách, chùa Hương đã đón 1.550 khách tham quan, con số rất khiêm tốn so với thời điểm trước dịch Covid-19 . Trong ngày hôm nay, dự kiến lượng khách đến chùa Hương khoảng 2.000 người.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-my-duc-noi-ve-viec-chay-thu-don-khach-tai-chua-huong-815036.html?