Bí thư Hà Nội: Nên cắt cỏ từ 3-6 tháng một lần chứ không thể dừng

Các công nhân Cty Cây xanh cắt cỏ trên đường Trần Duy Hưng hồi tháng 10/2016. Ảnh: Trường Phong
Các công nhân Cty Cây xanh cắt cỏ trên đường Trần Duy Hưng hồi tháng 10/2016. Ảnh: Trường Phong
TPO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, tại các tuyến đường xuyên tâm từ trung tâm thành phố ra các huyện, có thể cắt tỉa 6 tháng một lần chứ không thể không cắt, còn tại các quận trung tâm nên cắt định kỳ 3 tháng một lần thay vì cắt tỉa hàng ngày.  

Sáng 13/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 Ban chỉ đạo Chương trình 07 về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020".

Báo Hà Nội mới dẫn lời ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiết kiệm 1.700 tỷ đồng nếu áp dụng đơn giá định mức mới trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Theo ông Hải, trong hai năm 2016, 2017, thành phố tiếp tục rà soát 10 lĩnh vực công ích. Đến thời điểm hiện tại đã giảm 130 quy trình thừa, trùng lặp, 802 định mức và 1.366 đơn giá...

Đặc biệt, qua rà soát lại lĩnh vực vệ sinh môi trường, thành phố tiết kiệm giảm định mức tới 29%. Tức là sau khi rà soát xong định mức đơn giá, riêng 29% này, với tổng chi phí cho giai đoạn 2017-2020 là khoảng trên 4.000 tỷ đồng, thành phố tiết kiệm được trên 1.700 tỷ đồng.

Về vấn đề này, báo Hà Nội mới dẫn lời Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, với việc xây dựng chế độ định mức, Thành uỷ đã có ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố đã giao sở, ngành đánh giá, báo cáo lại về quy trình thực hiện vệ sinh môi trường, phun nước, hút bụi...

Bí thư Thành uỷ gợi ý, tại các tuyến đường xuyên tâm từ trung tâm thành phố ra các huyện, dựa vào độ lớn của cỏ, có thể cắt tỉa 6 tháng/một lần chứ không thể không cắt. Còn tại các quận trung tâm nên cắt định kỳ 3 tháng/một lần thay vì cắt tỉa hàng ngày.

Liên quan đến vấn đề ngày, ngày 15/8/2016, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi năm, riêng chi phí cắt cỏ, tỉa cây trúc anh đào, dâm bụt cho 24 km đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng. Cho rằng mức giá trên là “không thể chấp nhận được”, ông Chung yêu cầu dừng việc cắt cỏ, tỉa cây trên toàn tuyến từ 1/7/2016, chỉ duy trì một số khu vực trung tâm.

Về vấn đề này, trong một báo cáo gửi HĐND thành phố sau đó do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ký trả lời về những giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý cây xanh có nêu rõ: “Quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp với thực tế, được xây dựng trên một đơn vị sản phẩm đơn lẻ, khối lượng nhỏ dẫn đến hao phí nhân công, máy móc thiết bị lớn”.

Qua rà soát theo hướng “tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành”, mã đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40,38% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh.

Về giải pháp chấn chỉnh quản lý, duy tu cây xanh, nêu trong báo cáo, ông Chung cho biết, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh quy định quản lý cây xanh đô thị phù hợp với các quy định pháp luật và phân cấp quản lý hạ tầng và kinh tế xã hội. Thực hiện việc phân cấp, phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.

 “Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố từ 1/1/2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật” - báo cáo về giải pháp hạn chế bất cập trong quản lý cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung ký nêu rõ.

Sau đó, UBND thành phố đã ra văn bản công bố quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì công viên, cây xanh trên địa bàn Thành phố từ ngày 1/1/2017.

 Theo đó, về kỹ thuật duy trì thảm cỏ, UBND thành phố Hà Nội chia ra làm hai nhóm, thảm cỏ lá tre và thảm cỏ nhung nằm trong các công viên, vườn hoa, dải phân cách, đảo giao thông.

Đối với cỏ lá tre, quy trình nêu rõ trung bình mỗi năm cắt 18 lần. Theo UBND thành phố Hà Nội, đây là loại cỏ phát triển nhanh nên cần cắt liên tục để tạo mầm, nhánh mới giúp bãi cỏ xanh, có độ dầy chịu được sự giẫm đạp ở nơi công cộng. Khi cắt cỏ phải để lại độ cao từ 7cm đến 10cm; cắt cỏ sát mép đường sao cho cỏ không chờm ra ngoài.

UBND thành phố Hà Nội cũng quy định cụ thể trung mình tưới nước cho cỏ 138 lần/năm, lượng nước tưới 5 lít/m2/lần. Số lần tưới nước, lượng nước tưới và thời gian tưới phụ thuộc vào từng vị trí, điều kiện thời tiết. Ngoài ra, để thảm cỏ xanh, sạch, đảm bảo mỹ quan, thành phố yêu cầu thường xuyên bố trí người nhổ cây cỏ dại, nhặt quét rác trên bãi cỏ.

 Đối với cỏ nhung, UBND thành phố Hà Nội quy định cắt cỏ trung bình một năm 8 lần. Qua đó để cỏ tạo mầm, nhánh mới giúp cho bãi cỏ xanh, chịu được sự dẫn đạp ở nơi công cộng. Mức giá duy trì cây cảnh, thảm cỏ được UBND TP quy định tối đa 9.400 đồng/m2/tháng và thấp nhất 1.500 đồng/m2/tháng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.