Sáng 14/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Thanh tra thành phố Hà Nội về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và công tác phòng chống tham nhũng.
Theo báo cáo, năm 2017, Thanh tra thành phố triển khai 44 đoàn thanh tra, gồm: thanh tra theo kế hoạch 20 đoàn, thanh tra đột xuất 24 đoàn; đã kết luận 28 cuộc thanh tra; đã phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi 26,9 tỷ đồng; đã thu hồi 29,1 tỷ đồng; đã chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.
4 tháng đầu năm 2018, Thanh tra thành phố cũng thực hiện 25 đoàn thanh tra (trong đó có 16 đoàn chuyển tiếp năm 2017), gồm 11 đoàn thanh tra theo kế hoạch, 14 đoàn thanh tra đột xuất. Đến thời điểm này đã kiến nghị xử lý thu hồi 1,4 tỷ đồng.
Nội dung thanh tra tập trung vào thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, bảo hiểm xã hội, thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị, mỗi cán bộ ngành thanh tra phải là một tấm gương thanh liêm, dũng cảm đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng.
Ông Hải cũng lưu ý về vấn đề thông tin, tác động của mạng xã hội trong quá trình thanh tra, kiểm tra và đề nghị ngành thanh tra cần phải có giải pháp xử lý, không được phép chủ quan. Nguyên tắc là phải tôn trọng công tác thông tin đến người dân, báo chí và thực hiện đúng quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Theo ông Hải, ngoài việc nâng cao hơn nữa vai trò quan trọng của công tác thanh tra thì việc quan trọng không kém là phải đẩy mạnh đôn đốc, giám sát, thúc đẩy triển khai các kết luận thanh tra đã có hiệu lực.
“Đã thanh tra, kết luận rồi nhưng không triển khai thực hiện thì cũng không có tác dụng gì. Nếu cứ để tồn đấy thì tình hình KNTC không thể nào yên được. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội ổn định, phát triển bền vững, vì hạnh phúc người dân, một thành phố bình yên thì tất cả khúc mắc, tồn tại trong dân đều phải được đưa ra giải quyết đến cùng”, ông Hải nói.
Ông Hải nhấn mạnh, chỉ khi chất lượng cán bộ thanh tra được nâng cao thì chất lượng thanh tra, kiểm tra mới được nâng cao. Như vậy, các kết luận thanh tra mới tâm phục khẩu phục và có tính khả thi.
“Nếu kết luận mà không có tính khả thi, kết luận lấy được thì người dân, đối tượng bị kết luận sẽ không thực hiện và không thực hiện được. Phải đặt địa vị của mình vào đối tượng bị kết luận thanh tra”, ông Hải yêu cầu.