Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18/12 cho biết các cơ quan chức năng Nga có bằng chứng về việc Ukraine sử dụng đạn phốt pho trắng, nhưng bà không cung cấp thông tin chi tiết.
"Các cơ quan chức năng Nga, cùng với Bộ Quốc phòng, đã thu được bằng chứng không thể chối cãi về việc lực lượng vũ trang Ukraine nhiều lần sử dụng đạn phốt pho trắng thả từ máy bay không người lái trong tháng 9", bà Zakharova nói.
Đáp lại, Ukraine khẳng định tuyên bố của bà Zakharova là sai sự thật, đồng thời cáo buộc Nga sử dụng chất hóa học bị cấm trên chiến trường.
"Những lời cáo buộc của Nga là sai sự thật và vô nghĩa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi trả lời Reuters trong một tuyên bố bằng văn bản.
"Ukraine luôn và vẫn là một bên tham gia đáng tin cậy vào các thỏa thuận đa phương về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế theo điều khoản của các thỏa thuận này".
Hiệp ước kiểm soát vũ khí là quá khứ
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu ngày 18/12, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cáo buộc Mỹ châm ngòi cho các cuộc xung đột trên thế giới và làm sụp đổ các hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng trong Chiến tranh Lạnh.
Ông cho biết, Nga sẽ phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Triều Tiên và Venezuela để đáp trả.
"Vấn đề kiểm soát vũ khí đã trở thành chuyện của quá khứ. Các bên hiện nay không thể đạt được mức độ tin tưởng tối thiểu do phương Tây có tiêu chuẩn kép", ông Gerasimov nói.
"Nếu không có lòng tin, không thể tạo ra một cơ chế hiệu quả để kiểm soát lẫn nhau", ông nhấn mạnh. "Nhiều quốc gia đã bắt đầu nghĩ đến các biện pháp ứng phó thích hợp".
Nga và Mỹ đều bày tỏ sự hối tiếc về sự tan rã của các hiệp ước kiểm soát vũ khí được xây dựng nhằm làm chậm lại cuộc chạy đua vũ trang và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Mỹ, coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa quốc gia lớn nhất đối với phương Tây, đã đổ lỗi cho Nga về sự sụp đổ của các thỏa thuận như Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972 và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.