Bí mật về dược vị trong bài xuân dược giúp hoàng đế phục hồi “bản lĩnh đàn ông“

Lương y Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo về dược tính của hà thủ ô. Ảnh TG
Lương y Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo về dược tính của hà thủ ô. Ảnh TG
“Muốn cho xanh tóc đỏ da/ Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô” – câu thơ này đã phần nào phản ánh công dụng chống lão hóa tuyệt vời của cây thuốc hà thủ ô. Đặc biệt, nhờ công dụng bổ huyết, hà thủ ô cũng là vị thuốc có mặt trong nhiều bài “xuân dược” của vua chúa xa xưa.

Trong sách “Bản thảo cương mục”, danh y Lý Thời Trân - nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông hoàng đế chữa khỏi chứng bất lực và sinh được hoàng tử nhờ phương thuốc “Thất bảo mỹ nhiệm đan” trứ danh. Trong đó, hà thủ ô là chủ dược.

Ly kỳ chuyện vua chữa “bản lĩnh đàn ông”

Hà thủ ô còn gọi là giao đằng, dạ hợp, thủ ô. Đây là loại cây sống lâu năm, gốc dài khoảng gần 1m, thường kết đôi với một cây đồng loại khác. Nó có giống đực và cái: giống đực màu vàng-trắng, giống cái là màu vàng-đỏ. Các củ rễ của cây này có thể có các hình dạng khác nhau, từ giống người cho đến giống con rùa. Củ hà thủ ô từ lâu đã được y học cổ truyền coi là một loại thuốc tốt giúp tăng cường sinh lực, đen tóc, cải thiện làn da và cung cấp lợi ích lâu dài như phát triển cơ xương, gân cốt, tăng tuổi thọ… Về loại cây này, người dân Trung Hoa đến giờ vẫn lưu truyền một giai thoại hết sức thú vị. Đời nhà Đường, có một người đàn ông tên là Hà Điền Nhi sống ở Tuyền Châu. Từ nhỏ, Hà Điền Nhi đã thường xuyên ốm yếu nên không cô gái nào dám lấy, tới năm 58 tuổi mà vẫn độc thân. Một hôm, họ Hà buồn quá bèn xuống núi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ cạnh bìa rừng mà không biết. Khi tỉnh dậy, ông thấy bên cạnh một loại cây lạ, gắn chặt nhau từng cặp. Phải mất nhiều thời gian để tách chúng ra, ông rất ngạc nhiên khi chúng lại tự động đan xen như cũ. Thấy lạ, Hà Điền Nhi bèn đào chúng lên và đưa về nhà. Sau đó, một số dân làng nói với ông: “Bác đã già lại không có con nhưng giống cây này ở lại quấn vào nhau ngay cả sau khi bị tách. Có thể đó là phép màu nào đó. Tại sao bác không thử ăn chúng đi và xem chúng giúp ích được gì không?”.

Hà Điền Nhi nghe theo bèn cắt nhỏ rễ cây lạ ngâm rượu uống. Một vài tháng sau đó, ông cảm thấy tràn đầy năng lượng, tóc xanh đen trở lại, da dẻ tươi sáng và bắt đầu có ham muốn tình dục. Ông lại vào rừng tìm đào thêm nhiều loại cây này về dùng. Chẳng bao lâu, sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe đã giúp ông cưới được một cô gái trẻ trong làng. Trong 10 năm, Hà Điền Nhi sinh liền mấy đứa con, sống thọ tới... 160 tuổi. Cháu nội của ông là Hà Thủ Ô dùng vị thuốc này cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là hà thủ ô.

Bí mật về dược vị trong bài xuân dược giúp hoàng đế phục hồi “bản lĩnh đàn ông“ ảnh 1

Một người dân Trung Quốc đào được cây hà thủ ô đỏ giống hình người nặng 5,8 kg.

Câu chuyện trên có thể chỉ là hư cấu nhằm tôn sùng công dụng của hà thủ ô. Tuy nhiên trong thực tế, loại cây này đã được sử dụng qua hàng ngàn năm. Theo cuốn sách “Bản thảo cương mục” của danh y Lý Thời Trân thì năm Gia Tĩnh triều Minh, hoàng đế Minh Thế Tông đắm chìm với hàng ngàn mỹ nữ, ham mê dục vọng quá đà nên mắc chứng liệt dương. Một thầy thuốc tên là Thiệu Ứng Tiết đã dâng lên vua bài thuốc “Thất bảo mỹ nhiêm đan”. Gọi là “Thất bảo” vì trong bài thuốc có 7 vị dùng để ích can bổ thận, công năng như bảo vật; “mỹ nhiệm” là vì uống vào giúp cho râu tóc đen nhuận. Quả thật, sau khi dùng thuốc, hoàng đế khắc phục được chứng bất lực và còn sinh liền một hoàng tử khỏe mạnh. Thành phần chính trong “Thất bảo mỹ nhiệm đan” chính là hà thủ ô.

Vị thuốc quý nhưng “khó tính”

Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ, sẽ sớm bạc và dễ rụng. Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Theo Đông y, hà thủ ô đỏ vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn; vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng, thông tiện. Bởi vậy, khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu. Cùng quan điểm với Đông y, theo y học hiện đại, hà thủ ô chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe con người; trong đó, quan trọng nhất là chất lecithin. Lecithin là một trong những axit amin thiết yếu cho việc sản xuất tinh trùng. Đặc biệt, nó là thành phần chính tạo thành tinh dịch, tuyến sinh dục, nếu thiếu lecithin thì không thể sản sinh tinh dịch. Chất này còn có nhiều trong ngũ cốc, dầu ăn, đậu nành, vừng đen…Ngoài ra, hà thủ ô còn giúp bổ máu, hoạt huyết, tăng cường miễn dịch, chống lão hóa… Tiến sĩ Ray Sahel, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe nổi tiếng ở Mỹ, xuất hiện nhiều trong các chương trình tư vấn sức khỏe tình dục của các kênh truyền hình NBC cho biết: “Hà thủ ô đã có danh tiếng trong việc tăng cường năng lượng và nâng cao tuổi thọ. Mặc dù có rất ít nghiên cứu về thảo mộc này nhưng những nghiên cứu ban đầu đều chỉ ra rằng nó có tác dụng làm giảm sự lão hóa ở động vật thí nghiệm, đặc biệt là cơ quan sinh sản”.

Việt Nam cũng là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi cho sự có mặt của vị thuốc quý hà thủ ô. Loài cây này mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Phú Thọ, Bắc Giang, lào Cai, Lai Châu, Nghệ An… Vào mùa thu hoặc mùa xuân, người ta đào lấy rễ cây về làm thuốc nên quen gọi là củ. Củ có hình dáng quăn queo, giống củ khoai lang, do đó nó còn có tên: Mần Đăng (khoai lang). Củ thường có khối lượng từ 0,5kg đến vài cân. Năm 1967, trong dịp điều tra dược liệu lần đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, các nhà khoa học đã đào được một củ hà thủ ô đỏ dài gần 1m, nặng gần tới 6 kg ở Mường Khương, Lào Cai. Hiện, loài cây này đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam để tránh bị khai thác bừa bãi. Hà thủ ô tuy có công dụng tuyệt vời nhưng phải qua chế biến mới dùng được vì trong loại cây này có chứa một số chất độc.

Lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, nhiều người tự ý dùng hà thủ ô để chữa rụng tóc, tóc bạc sớm, đau lưng, yếu khớp gối, yếu cơ, mất ngủ, suy nhược thần kinh... mà không biết rằng đây là một vị thuốc có chất độc, nếu không biết cách chế biến, dễ ngộ độc và tử vong. Hà thủ ô sống có những hợp chất chứa anthraquinone kích ứng nhu động ruột, thông đại tiện gây tiêu chảy. Vì vậy, những người bình thường nếu sử dụng hà thủ ô sống có thể bị tiêu chảy. Đặc biệt, theo sách “Hiện đại thực dụng trung dược học”, liều độc uống 50g hà thủ ô sống lúc đói bụng (2,7g/kg cơ thể) và hà thủ ô chế là 169,4g/kg có thể gây chết 50% động vật thí nghiệm...

Theo lương y Nguyễn Xuân Hướng thì trước khi sử dụng, hà thủ ô phải được chế biến kỹ để giảm bớt các chất độc có sẵn trong dược liệu. Hà thủ ô sau khi đào, rửa sạch có thể bổ nhỏ, phơi khô, bảo quản. Khi sử dụng phải tiến hành chế biến tiếp. Chẳng hạn, để chữa tóc đen, hà thủ ô đào về ngâm nước 1 tuần, thay hàng ngày rồi thái lát. Lấy đậu đen đun lấy nước tẩm vào rồi đun cách thủy 9 đêm để tăng cường tính dược, loại bỏ chất độc mới dùng phối hợp với các vị thuốc khác...

Cách nhận biết hà thủ ô thật, giả 

Ngoài ra, tình trạng hà thủ ô bị làm giả trên thị trường hiện nay cũng là vấn nạn người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng và tỉnh táo. Những kẻ buôn bán không có lương tâm thường sử dụng củ nâu – một loại củ tương đối giống với hà thủ ô để lừa người mua. Theo kinh nghiệm của các lương y thì hà thủ ô đỏ thật và đạt chất lượng, ngoài màu sắc còn có thể nhận biết qua mùi; mùi của nó rất thơm, gần như nhân sâm. Vì là loại dược phẩm quý hiếm nên hà thủ ô thật nếu chế biến đúng cách (khá phức tạp) thì giá thành có thể lên đến 600 ngàn đồng/kg. Bởi vậy, nếu hà thủ ô được rao bán với giá “quá bèo” thì người mua cũng cần cẩn trọng.

Theo Vọng Xưa

Theo Gia đình & xã hội
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.