Bí mật sau ánh hào quang của đội đặc nhiệm số một nước Mỹ

Các thành viên Biệt đội 6 thực hiện động tác nhảy dù trong một nhiệm vụ. Ảnh: AP.
Các thành viên Biệt đội 6 thực hiện động tác nhảy dù trong một nhiệm vụ. Ảnh: AP.
Biệt đội 6 Navy SEAL không chỉ nổi tiếng với chiến công tiêu diệt Osama bin Laden mà còn được xem là cỗ máy săn lùng và tiêu diệt đáng sợ của nước Mỹ trên khắp thế giới.

Biệt đội 6 của Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (Navy SEAL) được giao nhiệm vụ săn lùng các phần tử khủng bố ở những vùng đất xa xôi và cằn cỗi của Somalia, Yemen. Bên cạnh đó, đơn vị còn tham chiến bí mật tại Afghanistan, Pakistan nơi họ xuất hiện và hạ gục đối phương. Trong các cuộc săn lùng bí mật lúc nửa đêm, các lính đặc nhiệm sử dụng nhiều vũ khí khác nhau từ súng trường đến rìu.

Theo New York Times, các thành viên trong đội trải khắp thế giới, trên các tàu thương mại, nhân viên dân sự tại các công ty. Ngoài ra, họ còn đóng vai các cặp đôi nam nữ hoạt động bí mật tại các đại sứ quán để theo dõi những người mà Mỹ muốn bắt giữ hay tiêu diệt.

Biệt đội 6 được đánh giá là một trong những tổ chức quân sự bí mật và tinh vi nhất của nước Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau chiến công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden sau hơn một thập kỷ săn lùng.

Biệt đội bí ẩn


Mọi thông tin về Biệt đội 6 luôn được che đậy, thậm chí Lầu Năm Góc còn không công khai thừa nhận tên gọi đó mặc dù một số chiến công của đội đã xuất hiện trên các trang mạng trong những năm gần đây. Trong một đợt điều tra về sự phát triển của đội rút ra từ hàng chục cuộc phỏng vấn với các cựu thành viên, các quan chức quân sự và các tài liệu của chính phủ đã tiết lộ câu chuyện còn phức tạp hơn.

New York Times cho hay, những gì mà giới truyền thông ca ngợi chiến công tiêu diệt trùm khủng bố chỉ là bình phong che đậy những hoạt động săn lùng - tiêu diệt các nghi can trên khắp thế giới. Trong quá trình tham chiến ở Iraq và Afghanistan, Biệt đội 6 thực hiện nhiệm vụ ở những nơi mà ranh giới giữa người lính và điệp viên truyền thống bị xóa nhòa.

Thậm chí, SEAL còn gia nhập Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) theo sáng kiến Chương trình Omega nhằm mở rộng quy mô săn lùng kẻ thù. Đơn vị đã thực hiện thành công hàng nghìn cuộc tấn công nguy hiểm mà các lãnh đạo quân đội tin rằng sẽ làm suy yếu mạng lưới khủng bố. Tuy nhiên, các chiến dịch tiêu diệt nghi can của đội gần như không thể kiểm soát. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về việc giết hại quá nhiều, đặc biệt là thường dân

Bí mật sau ánh hào quang của đội đặc nhiệm số một nước Mỹ ảnh 1 Biệt đội 6 săn lùng và tiêu diệt những ai nghi ngờ có dính líu đến các tổ chức khủng bố. Ảnh: AP.
Cỗ máy đáng sợ Dân làng ở Afghanistan từng buộc tội đội SEAL giết hại nhiều người. Trong năm 2009, có thông tin cho rằng các thành viên trong đội tham gia CIA và lực lượng bán quân sự Afghanistan giết một nhóm thanh niên gây nên căng thẳng giữa các quan chức nước này và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thậm chí, một công dân Mỹ được giải cứu trong vụ bắt cóc con tin đã đặt câu hỏi vì sao các đặc nhiệm lại giết tất cả kẻ thù như vậy. Một số quan chức đã đặt ra nghi vấn về các hành vi sai trái của đội. Nhưng đơn vị có phân cấp rất cao và rất ít khi được kiểm tra.

Một cựu sĩ quan cao cấp về hoạt động đặc biệt tiết lộ, đơn vị có những đặc quyền mà ngay cả những người giám sát của quân đội cũng không được phép kiểm tra thường xuyên. "Đây là một lĩnh vực mà Quốc hội không muốn biết quá nhiều", Harold Koh, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ - cơ quan cung cấp hướng dẫn cho chính quyền Tổng thống Barack Obama về cuộc chiến bí mật - tiết lộ.

Bob Kerrey, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ và từng là thành viên Biệt đội 6 trong chiến tranh Việt Nam cảnh báo, SEAL và các lực lượng đặc biệt khác đang bị lạm dụng. "Họ đã trở thành công cụ quyền lực bí mật cho giới lãnh đạo diều hâu trong quân đội Mỹ".

Kể từ sau sự kiện 11/9, Biệt đội 6 đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ nhằm vào những người được cho là nghi can khủng bố mà ranh giới đúng sai là rất mong manh. Đô đốc nghỉ hưu James G. Stavridis, cựu Tư lệnh lực lượng NATO, ủng hộ giá trị của những đơn vị vô hình như đội 6. "Những lực lượng bí mật giúp bạn bẻ cong các quy tắc của luật pháp quốc tế", cựu đô đốc tiết lộ.

Vị cựu chỉ huy NATO đề cập đến giá trị của Biệt đội 6 để hoạt động ở những khu vực không tuyên bố chiến tranh. "Đơn vị nên tiếp tục hoạt động trong bóng tối", ông chia sẻ. Những tiết lộ của các cựu thành viên, sĩ quan cho thấy, sau ánh hào quang của những chiến công là một tổ chức săn lùng ngoài vòng pháp luật.

Bí mật sau ánh hào quang của đội đặc nhiệm số một nước Mỹ ảnh 2 Biệt đội 6 ngày càng tham gia nhiều vào các nhiệm vụ thông thường thay vì các sứ mệnh đặc biệt như trước đây. Ảnh: Tvequals.
Xói mòn tinh hoa

Khi nhiệm vụ ngày càng mở rộng, một số thành viên trong đội đã đặt câu hỏi về các hoạt động hiện tại đang làm xói mòn tinh hoa của đơn vị trong các sứ mệnh ít quan trọng. Biệt đội được điều đến Afghanistan để săn lùng al-Qaeda thay vì dành nhiều năm để tiến hành các điệp vụ chống lại tổ chức có quy mô như Taliban. Một cựu thành viên nói rằng, nhiệm vụ của họ đơn giản chỉ là chặn và bắn súng.

Một số nguồn tin tiết lộ, tổn thất của đội rất cao, con số thành viên thiệt mạng trong 14 năm qua nhiều hơn so với lịch sử trước đó của đội. Các thành viên lặp đi lặp lại hoạt động như nhảy dù, hành quân trên các địa hình nguy hiểm và dư âm các vụ đấu súng để lại nhiều hậu quả về thể chất lẫn tinh thần.

Britt Slabinski, cựu thành viên của đội từng tham chiến ở Iraq và Afghanistan chia sẻ: "Đó là vấn đề tâm lý khi một người giết nhiều đồng loại trong thời gian dài. Nó để lại những điều tồi tệ trong tâm trí bạn".

Biệt đội SEAL 6 cùng Đơn vị Sứ mệnh Đặc biệt Delta tiếp tục triển khai vào các nhiệm vụ trong một danh sách dài những điểm rắc rối trên toàn thế giới. Các địa điểm bao gồm Syria, Iraq với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như ở Afghanistan, Somalia, Yemen trong tình trạng sa lầy và hỗn loạn.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG