Eastcote chuyên giải mã tín hiệu của Liên Xô. Ảnh: Alamy |
Cuốn sổ chứa thông tin về địa điểm giải mã tuyệt mật của Anh tên là Eastcote, sau này trở thành Tổng hành dinh Thông tin Truyền thông Chính phủ (GCHQ).
Eric Tullett, phóng viên của báo Sunday Express, được Arthur Askew, người từng đứng đầu bộ phận an ninh của Văn phòng đối ngoại, chuyển cho thông tin chi tiết về chiến dịch của Anh nhằm thu và giải mã tín hiệu của Liên Xô.
Tuy nhiên, thông tin tuyệt mật này bị mất khi ông Tullett để quên cuốn sổ của mình trên sàn quán rượu Old Bell trên phố Fleet ở thủ đô London.
Vào thời điểm đó (tháng 7-1951), công chúng không biết công tác mật mã và giải mã đang được tiến hành ở Eastcote. Họ cũng không biết đến Công viên Bletchley - địa điểm giải mã thời chiến đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ máy tính thời kỳ đầu để đọc được những thông điệp mã hóa.
Bí mật này được giữ kín thêm 23 năm cho đến khi sự tồn tại của GCHQ cuối cùng được tiết lộ vào giữa những năm 70.
Có thời điểm, Askew kể cho Tullett về hoạt động phá mã diễn ra tại GCHQ. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, địa điểm giải mã Bletchley được chuyển đến GCHQ.
Động cơ Askew tiết lộ đơn vị tình báo của Anh không rõ ràng. Tuy nhiên, người ta nghĩ rằng, Askew tức giận trước những bài báo viết rằng ông có lỗi trong việc trốn thoát của Guy Burgess và Donald Macclean – thành viên của mạng lưới gián điệp Cambridge Five.
Burgess và Macclean trốn sang Mátxcơva năm 1951. Khi đó, họ bị tình nghi làm gián điệp cho Liên Xô.
Ngay sau đó, Askew nghỉ hưu. Tuy nhiên, báo chí cho rằng, việc ông nghỉ hưu là một phần của kế hoạch tái tổ chức lực lượng an ninh Anh sau vụ bộ đôi điệp viên trốn thoát.
Theo hồ sơ của cảnh sát, một người đàn ông (được cho là Tullett) gọi điện cho cảnh sát hỏi rằng, liệu họ có tiếp nhận một món đồ thất lạc là cuốn sổ để trong cặp da hay không.
Thực tế, một cô gái phục vụ ở quán rượu tìm thấy cuốn sổ. Nhận thấy một số trang viết có những từ như “máy giải mã”, “Mátxcơva”, “bí mật”…, cô liền báo cảnh sát.
Cảnh sát giao cuốn sổ cho Cơ quan phản gián Anh MI5 và cơ quan này trả sổ cho Tullett. Văn phòng đối ngoại cho phép Tullett công bố một phần của câu chuyện, nhưng những phần nói về GCHQ và công việc bí mật của đơn vị này được biên tập lại.
Người phụ trách an ninh mới của Văn phòng đối ngoại, George Carey-Foster, viết thư cho một quan chức cao cấp của MI5 là Dick White: “Tôi nghĩ điều duy nhất chúng ta có thể làm là biên tập lại những bài báo này và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến”.
Nhà sử học Christopher Moran (ĐH Warwick) nói: “Trong cuốn sổ của Tullett có một bí mật của bí mật. Mãi đến đầu hoặc giữa những năm 70, công chúng mới biết đến sự tồn tại của GCHQ. Nhưng Tullet đã ghi thông tin này trong cuốn sổ của mình từ hồi tháng 7-1951. Phải đến năm 2012 này chúng ta mới thực sự hiểu ra rằng, Tullet và Askew đã tiết lộ bí mật lớn nhất của Anh thời hậu chiến”.
Nhờ sự tinh ý của cô gái phục vụ trong quán rượu, bí mật của Askew có thể được giữ kín, nhưng 60 năm trôi qua, nhiều cựu sĩ quan tình báo vẫn không thể tha thứ cho ông này.
Jean Valentine, người làm việc tại Công viên Bletchley thời chiến tranh, nói: “Ông ta lẽ ra không nên nói một lời. Hàng nghìn người như chúng tôi đã giữ miệng trong một thời gian dài, trừ con người ngạo mạn này. Lẽ ra ông ta nên bị bắn”.
Thái An
(theo The Telegraph, BBC)