Năm 2014 Triều Tiên đứng đầu bảng tổng sắp thành tích tại giải Vô địch cử tạ thế giới ở Kazakhstan, với 12 tấm HC vàng. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao nước này đứng đầu bảng vàng ở một giải đấu lớn tầm cỡ thế giới. Ba trong tổng số bốn HC vàng mà đoàn thể thao quốc gia này giành được ở Olympic London 2012 cũng từ môn cử tạ.
Nhưng trên thực tế, Triều Tiên chỉ mới nổi lên là quốc gia mạnh hàng đầu thế giới ở môn thể thao này. Tấm HC vàng Olympic cử tạ đầu tiên mà họ giành được là tại Bắc Kinh 2008.
Chủ tịch Kim Jong-un gần đây đã tuyên bố muốn biến Triều Tiên thành một cường quốc thể thao trong chỉ vài năm tới. Trước mắt, một phần của mục tiêu đó đã thành hiện thực với cử tạ - một môn chính và truyền thống của hệ thống thi đấu Olympic. Đây là thành quả đáng mơ ước với mọi nền thể thao, khiến giới chuyên môn ngạc nhiên vì Triều Tiên là quốc gia bí ẩn và không muốn mở cửa với quốc tế.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn tới thành công của cử tạ Bắc Triều Tiên?
Cánh tay ngắn, lưng dài, chân ngắn. Đây được coi là yếu tố cơ bản, và liên quan tới di truyền học. Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn cử tạ Vương quốc Anh, Tommy Yule, nhận xét trên BBC: “Các VĐV Triều Tiên trông đúng như những gì các bạn thường hình dung về hình thể của một lực sĩ cử tạ truyền thống”.
Cựu lực sĩ cử tạ hàng đầu này phân tích thêm: “Cánh tay ngắn, lưng dài, chân ngắn. Đó chính là dáng hình đối lập với hình thể lý tưởng của các VĐV hàng đầu môn chạy nước rút hay ném đĩa. Giống các lực sĩ Trung Quốc, các VĐV Triều Tiên cũng có tỷ lệ kích thước cơ thể lý tưởng để vượt trội so với đối thủ nhiều quốc gia khác ở môn thể thao này”.
Điều đó đặc biệt đúng với các hạng cân thấp, khi phần lớn trong số 12 HC vàng của Triều Tiên tại giải Vô địch thế giới năm ngoái và ba HC vàng Olympic London 2012 là do công của các lực sĩ ở hạng cân thấp.
Om Yun-Chol, đối thủ chính của Thạch Kim Tuấn những năm qua, là một trường hợp điển hình của yếu tố này. Anh 24 tuổi, chỉ cao 1m52, tham gia ở hạng cân nhẹ nhất của nam (56kg). Tại Olympic 2012 và ở giải thế giới 2014, anh đều đã cử được mức tạ nặng hơn ba lần so với trọng lượng cơ thể để giành HC vàng và lập kỷ lục thế giới mới. Ở giải thế giới đang diễn ra tại Houston (Mỹ), Om một lần nữa chiến thắng.
Các trại huấn luyện tập trung. Đây là mô hình rèn luyện VĐV đỉnh cao không còn tồn tại ở các nền thể thao phương Tây. Theo đó, các VĐV Triều Tiên dành phần lớn thời gian mỗi năm tại các trung tâm huấn luyện thể thao tập trung của quốc gia. Họ ăn, ngủ và thở cùng cử tạ. Nghiệp thi đấu cử tạ giống như sự sống còn của họ, và những người không thể theo kịp những yêu cầu khắc nghiệt đó sẽ bị loại bỏ.
Những VĐV ưu tú như Om Yum-chol là sản phẩm từ một quy trình đào tạo VĐV theo chế độ tập trung nghiêm ngặt. Ảnh: ABC.
Đó là một hệ thống tập luyện mà nữ đô cử 21 tuổi người Anh Zoe Smith, người hiện giữ kỷ lục quốc gia và từng dự Olympic 2012, có thể thấy được một số lợi ích, nhưng cô không ủng hộ điều đó ở xã hội phương Tây.
Zoe Smith cho hay: “Tập luyện và làm mọi thứ giống như một tập thể, đó là những gì tôi biết được và hiểu về quá trình rèn luyện của các lực sĩ Triều Tiên. Đội cử tạ của Vương quốc Anh cũng đang hướng tới mô hình tập luyện tập trung hơn, nhưng chỉ trong một số khoảng thời gian chuẩn bị cho sự kiện, chứ sẽ không theo kiểu quản lý độc tài cả năm như vậy. Ví dụ như tôi, tôi vui thích khi theo nghiệp cử tạ, nhưng cử tạ không phải là một thứ gì đó mà tôi có thể dành toàn bộ sức lực mỗi ngày cho nó trong suốt phần đời còn lại của mình. Các VĐV Triều Tiên dường như không biết bất kỳ điều gì khác ngoài tập luyện và thi đấu cử tạ”.
Còn nhiều bí mật khác đằng sau thành công của cử tạ Triều Tiên. Trung Quốc cũng là một cường quốc về cử tạ. Họ đã giành chín HC vàng tại giải Vô địch thế giới 2014 (kém ba so với Triều Tiên), và có năm HC vàng ở Olympic 2012 (nhiều hơn đội Triều Tiên hai tấm).
Trung Quốc cũng là một quốc gia bị phương Tây đánh giá là có một xã hội đóng. Nhưng theo đô cử Smith, Bắc Triều Tiên bí ẩn ở một cấp độ khác hẳn. Cô nhận xét: “Bạn có thể thường xuyên thấy các bản tin về thể thao cũng như cử tạ Trung Quốc. Cũng có không ít các hội thảo chuyên môn của các HLV cử tạ Trung Quốc được phiên dịch sang ngôn ngữ quốc tế. Trong khi đó, chúng ta có thể nói là không biết gì về Triều Tiên. Tôi đã không thể nói chuyện với bất kỳ ai ở đội cử tạ Triều Tiên khi cùng tham gia ở giải Vô địch thế giới 2014”.
Chuyên gia Tommy Yule thì đánh giá cao hơn về phương pháp huấn luyện của Triều Tiên so với Đông Âu – khu vực mạnh về cử tạ. Ông nói rằng nhiều HLV của các đội cử tạ Đông Âu thường xuyên có hành động bạo lực trong quá trình tăng tốc chuẩn bị cho các VĐV trước mỗi giải đấu. Trong khi đó các phương pháp của HLV Triều Tiên bình tĩnh hơn, có hệ thống, và luôn đề cao tính tập thể.
Đám mây đen tối của vấn nạn doping. Bí mật sẽ gây ra sự nghi ngờ, đặc biệt khi Triều Tiên là một quốc gia rất khó tiếp cận, kể cả chỉ trong lĩnh vực thể thao. Ngay cả Tổng giám đốc của Liên đoàn cử tạ quốc tế (IWF), ông Attila Adamfi, cũng phải thừa nhận “việc tới Triều Tiên là không hề dễ dàng". Quan chức này thường phải tới đó theo định kỳ để cùng phái đoàn kiểm tra hoạt động của cử tạ Triều Tiên, trong đó có xét nghiệm doping.
Ông Adamfi khẳng định các VĐV của Triều Tiên cũng phải luôn sẵn sàng bị kiểm tra doping ngẫu nhiên ngay tại nơi tập luyện vào bất cứ giờ nào, ngày nào trong năm, như các lực sĩ cử tạ quốc tế khác. Nhưng giới chuyên môn cho rằng hệ thống kiểm tra doping ngẫu nhiên đột xuất khó có thể đạt hiệu quả cao nhất ở một quốc gia rất khó tiếp cận thường xuyên. Dù vậy, riêng trong năm nay đã có tới 25 lực sĩ cử tạ của Triều Tiên bị xử phạt vì doping. Trong khi đó chỉ có tổng cộng 20 VĐV cử tạ của các quốc gia Đông Âu bị phát hiện sử dụng chất cấm, với riêng Bulgaria có 11 VĐV.
Doping được cho là một yếu tố giúp cử tạ Bắc Triều Tiên gặt hái thành công lớn.
Triều Tiên bắt đầu có hành động chào đón thế giới. Tham vọng của thể thao quốc gia này giờ không chỉ còn giới hạn ở quyết tâm giành nhiều huy chương. Họ còn muốn tổ chức các giải đấu lớn, trong đó có giải Vô địch cử tạ thế giới. Họ đã thất bại trong cuộc vận động giành quyền làm chủ nhà giải Vô địch cử tạ trẻ thế giới 2017 vì bị nghi ngờ về khả năng điều hành sự kiện thể thao lớn, nhưng họ sẽ tiếp tục nộp hồ sơ xin tổ chức giải đấu của năm 2018.
Các quan chức cử tạ Triều Tiên cảm thấy tự tin đối mặt với các thách thức trong tổ chức giải đấu, vì họ đã có kinh nghiệm đăng cai Cup các CLB cử tạ châu Á năm 2013 tại nhà thi đấu có sức chứa 6000 khán giả. Tổng giám đốc Liên đoàn cử tạ quốc tế đánh giá đó là một nhà thi đấu theo chuẩn của một sàn thi đấu cử tạ Olympic. Ở giải khi đó, Triều Tiên đã đón các CLB từ 12 quốc gia tham gia tranh tài, trong đó đáng chú ý có sự kiện các VĐV Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia một sự kiện thể thao quốc tế tại quốc gia này. Chủ tịch Kim Jong-un cũng tới nhà thi đấu chứng kiến các nội dung tranh tài.
Giải Vô địch thế giới 2015 ở Mỹ, từ 20/11 đến 28/11, sẽ giúp làng cử tạ thế giới có thêm cơ hội thẩm định xem Triều Tiên đã thực sự là một cường quốc cử tạ. Sau đó sẽ là Olympic Rio 2016.